Tính đến nay, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 10.408 ca; trong đó có 623 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, 123 ca sốt xuất huyết nặng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 30 ngày qua, trung bình mỗi ngày, tỉnh ghi nhận 90 ca sốt xuất huyết. Người bệnh chủ yếu trên 15 tuổi (chiếm đến 64%). Địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất vẫn là thành phố Vũng Tàu, với gần 6.000 ca, thị xã Phú Mỹ với 1.004 ca mắc, huyện Châu Đức với 931 ca….
Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 8 ca tử vong do sốt xuất huyết, chiếm 6,5% trên tổng số ca sốt xuất huyết nặng; trong đó, thành phố Vũng Tàu (3 ca), thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (3 ca) và phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (1 ca) và phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa (1 ca).
Bác sỹ Trần Thanh Đạt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo, thông thường, bệnh sốt xuất huyết trở nặng vào ngày thứ 3, 4. Nếu người bệnh bị sốt, có dấu hiệu xuất huyết dưới da, niêm mạc, tay chân lạnh, mệt mỏi, choáng váng… phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm và tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp. Đối tượng cần lưu ý là người béo phì, bởi nếu mắc bệnh thường có tiên lượng bệnh nặng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác. Các địa phương huy động các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết; thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng 1 tuần/lần tại khu vực nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng trên địa bàn, đặc biệt là các công trường xây dựng, chợ, các khu nhà trọ…; giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.