Đến hẹn lại lên
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, trong 5 năm gần đây (từ năm 2016 đến năm 2021), tình hình sốt xuất huyết Dengue tại địa phương diễn biến tương đối phức tạp. Số ca mắc qua các năm ở mức cao và tăng theo chu kỳ 3 năm. Cụ thể, năm 2016 ghi nhận 13.374 ca mắc, 2 năm tiếp theo số ca mắc giảm mạnh xuống còn 2.948 ca (năm 2017) và 3.179 ca (năm 2018). Đến năm 2019, số ca mắc tăng lên 11.450 ca. Trong hai năm tiếp theo, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue lại giảm sâu, ở mức 3.583 ca (năm 2020) và 1075 ca (năm 2021).
Từ đó cho thấy, chu kỳ sốt xuất huyết Dengue tại tỉnh Gia Lai khoảng 3 năm sẽ có một năm bùng phát dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 21/8 tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tập trung nhiều nhất tại huyện Ia Grai 393 ca, Đăk Pơ 416 ca, Chư Pưh 358 ca, Pleiku 362 ca, Chư Prông 346 ca, Krông Pa 303 ca... Toàn tỉnh có trên 3.600 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, có 1 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã xảy ra ở 160/220 xã, phường, thị trấn tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Chủ động ứng phó
Xác định năm 2022 sẽ là chu kỳ bùng phát sốt xuất huyết Dengue, vì thế ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó; trong đó tập trung vào công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường khu dân cư, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết Dengue sâu rộng trong toàn dân. Đặc biệt, tỉnh kiện toàn các phương án thu dung, điều trị trường hợp biến chứng, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết Dengue.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc sốt xuất huyết cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác tại cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi phát hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, bố trí giường bệnh; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Các ngành, địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng…
Theo ghi nhận trên địa bàn hiện nay, các cơ sở điều trị tuyến tỉnh đang đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh viện đang điều trị cho trên 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng. Để đảm bảo công tác thu dung, tiếp nhận và điều trị trường hợp mắc sốt xuất huyết từ tuyến dưới, đơn vị đã chuyển Khoa Da liễu thành nơi điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, các bác sĩ đảm bảo tốt việc điều trị cho trường hợp mắc sốt xuất huyết. "Hiện nay, chưa có tình trạng quá tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để chủ động ứng phó, bệnh viện đã xây dựng phương án, đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, giường bệnh, vật tư y tế, thuốc men…", bác sĩ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho hay.