Xuất khẩu lao động – cơ hội việc làm cho thu nhập tốt

Thái Bình là tỉnh có dân số gần 1,9 triệu người, nguồn lao động dồi dào với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là lợi thế lớn, song cũng là áp lực không nhỏ đối với địa phương trong giải quyết việc làm. Để giải bài toán này, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động vừa phát huy lợi thế lực lượng lao động trẻ vừa giúp người lao động có cơ hội việc làm cũng như thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình.

Chú thích ảnh
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: Anh Nguyên/PV TTXVN tại Hàn Quốc

Điểm sáng trong công tác xuất khẩu lao động

Năm 2017 anh Bùi Huy Vương (sinh năm 1992, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) quyết định lựa chọn đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với thời hạn 5 năm. Với nghề cơ khí trong tay, anh Vương đã sớm hòa nhập vào thị trường lao động nước bạn với thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối cao so với lao động trong nước. Sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước, với số vốn tích cóp được, năm 2022 anh Vương cùng gia đình mở cửa hàng kinh doanh tại nhà.

Anh Vương cho biết, đối với lao động trẻ như anh, việc xuất khẩu lao động mang lại cơ hội việc làm và thu nhập khá tốt. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu công việc người lao động cần phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp cơ bản và đặc biệt là thực hiện tốt quy định pháp luật của nước sở tại trong việc cam kết thực hiện hợp đồng lao động.

Ông Ngô Bá Quyết, công chức Lao động – Thương Binh và Xã hội xã Nguyên Xá cho biết, Nguyên Xá là một trong những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện Vũ Thư. Xã có trên 8.400 nhân khẩu với 4.768 người trong độ tuổi lao động. Từ năm 2020 đến nay toàn xã có 734 người đi xuất khẩu lao động, tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Thu nhập nhờ xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá, giàu. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Đời sống nhân dân địa phương được nâng cao.

Tại nhiều vùng nông thôn ở Thái Bình, không ít thanh niên trẻ như anh Vương lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 16.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 3.000 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình) cho biết, xuất khẩu lao động cho thấy hiệu quả rõ rệt về kinh tế và xã hội. Người lao động làm việc ở nước ngoài với môi trường, điều kiện làm việc và thu nhập khá ổn định với mức thu nhập bình quân từ 30 đến 35 triệu đồng/tháng (riêng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản có mức thu nhập cao hơn). Thống kê hàng năm ngoại hối nước ngoài gửi về tỉnh qua hệ thống các ngân hàng thương mại khoảng trên 83 triệu USD (tương đương 1.992 tỷ đồng Việt Nam). Bên cạnh đó, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước có kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ, ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp tốt, nhất là lao động trở về từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc được chủ doanh nghiệp trong nước tiếp nhận làm việc.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu lao động của Thái Bình năm 2023 là việc thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa hai địa phương của hai nước theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ và Công văn số 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/6/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến nay, Thái Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước thực hiện được chương trình xuất khẩu lao động thời vụ này. Hiện trên địa bàn đã có ba huyện gồm Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Kiến Xương hợp tác triển khai chương trình và đã đưa 105 lượt lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Một số lao động mẫu mực theo tiêu chuẩn quy định được chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục ký hợp đồng lao động. Điều này cho thấy hình ảnh, chất lượng lao động Việt Nam nói chung và lao động Thái Bình nói riêng đang dần được cải thiện, tạo sự tin tưởng đối với chủ doanh nghiệp nước ngoài.

Để xuất khẩu lao động trở thành con đường làm giàu bền vững

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình) cho biết, môi trường làm việc cũng như thu nhập mang lại cho người lao động khiến một vài năm trở lại đây xuất khẩu lao động càng trở nên hấp dẫn. Trước dịch COVID-19 lao động Thái Bình xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều hơn. Tuy nhiên sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, từ năm 2023 đến nay thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc lại chiếm ưu thế, chủ yếu theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) và một số lao động làm việc theo chương trình lao động thời vụ. Để tạo nguồn cho lao động có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, Trung tâm thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Hàn, trang bị những kỹ năng giao tiếp cơ bản giúp người lao động có thể sẵn sàng gia nhập thị trường lao động đầy tiềm năng này.

Theo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, hàng năm tỉnh Thái Bình phấn đấu tạo việc làm mới cho 33.000 - 34.500 lao động, trong đó đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 3.000 lao động trở lên. Do vậy, thời gian qua chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đồng thời phát triển các thị trường lao động truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao song công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại, cư trú bất hợp pháp. Năng lực khai thác hợp đồng và nghiệp vụ tư vấn, tuyển chọn lao động của cán bộ và các điều kiện đảm bảo để đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, khả năng kinh nghiệm, trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tinh thần hợp tác của người lao động chưa đáp ứng kịp so với phát triển của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp về tuyển chọn lao động đều là những doanh nghiệp ở tỉnh ngoài. Do vậy việc quản lý, kiểm tra, giám sát về hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn. Riêng năm 2023, có 22 lượt doanh nghiệp về tuyển chọn lao động của tỉnh để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì chỉ có 1 doanh nghiệp của tỉnh, còn lại 21 doanh nghiệp của tỉnh ngoài.

Nhằm giải quyết khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động tích cực của chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, phổ biến Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường hoạt động hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng đối tượng được vay vốn đối với những lao động thuộc gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp có mức sống trung bình để tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu lao động. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác tạo nguồn lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động, qua đó nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, thí điểm thực hiện các chương trình cung ứng lao động làm việc thời vụ theo hình thức hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc, qua đó tăng cơ hội việc làm cho người lao động của tỉnh. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công tác xuất khẩu lao động phát triển bền vững.

Thu Hoài (TTXVN)
Trên 155.000 người đi xuất khẩu lao động trong năm 2023
Trên 155.000 người đi xuất khẩu lao động trong năm 2023

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hơn 155.000 người, tăng 8,55% so với năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN