Đầu tháng 3/2022, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã chỉ đạo xây dựng Quảng Yên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch công nghệ cao thân thiện với môi trường. Cùng đó, tạo giá trị gia tăng lớn của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể hệ thống logistics mạnh, chi phí cạnh tranh, kết nối đồng bộ với các sân bay Cát Bi và Vân Đồn, với cảng biển và cao tốc.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của thị xã là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây của tỉnh; phát triển đa ngành, hình thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Về quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, Quảng Yên tiếp tục đổi mới toàn diện mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái lẫn quốc phòng - an ninh. Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có khác biệt của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quảng Yên cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động của khu vực nông thôn, nông nghiệp; có tư duy quy hoạch tổng thể sử dụng đất có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên tối đa quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, hạn chế phát triển đất đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký yêu cầu, Quảng Yên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; huy động nguồn lực để nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng đô thị, phấn đấu sớm được công nhận lên thành phố; phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, trong đó có việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút nguồn lao động đã làm việc tại các địa phương khác trở lại địa bàn gắn với nhu cầu của nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư gắn với các khu công nghiệp trên địa bàn.
Thực tế, từ năm 2020 trở lại đây, khi kinh tế toàn cầu lao đao bởi đại dịch COVID-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng thì Quảng Ninh nói chung, thị xã Quảng Yên nói riêng lại đón nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các doanh nghiệp. Không chỉ các doanh nghiệp, thương hiệu hàng đầu thế giới như Foxconn, Amata… với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, mà còn hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Đây được coi là động lực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF).
Tháng 3/2021, Công ty Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu, đã chính thức đầu tư 500 triệu USD vào thị xã Quảng Yên. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào một trong số những khu công nghiệp mới của Quảng Ninh là Sông Khoai, cũng là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Quảng Yên kể từ khi Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế này vào tháng 9/2020.
Trước đó, Foxconn, tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple, Motorola, Nokia và HP… cũng đã đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai của thị xã Quảng Yên.
Cuối năm 2020, sau 1 năm triển khai đầu tư, dự án đã cho ra mắt lô sản phẩm ti vi đầu tiên. Năm 2021, nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Đông Mai sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Foxconn đang chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại Khu công nghiệp Đông Mai, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế theo hướng bền vững là hướng đi mà Quảng Ninh đang tập trung trong giai đoạn 2020-2025. Đó chính là hiện thực hóa thành công định hướng phát triển của Quảng Ninh được nêu trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh: Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo.