Những chiến sỹ công an, quân đội, những y bác sỹ, đoàn viên… luôn trong tư thế sẵn sàng đi vào tâm dịch, bất kể ngày, đêm ra sức giám sát không để nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào, thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Sẻ chia với sự vất vả của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, nhiều tổ chức, đoàn thể và người dân kết nối, chung tay nấu hàng ngàn suất ăn, mang những chai nước uống để tiếp sức. Những món quà không chỉ giúp lực lượng tuyến đầu nâng cao sức khỏe để mà còn là nguồn động viên tinh thần để cùng nhau khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Lực lượng tuyến đầu căng mình chống dịch
Từ ngày 9/6, khi trên địa bàn chưa xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tỉnh Vĩnh Long đã kích hoạt các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn. Khi tình hình dịch phức tạp với số ca COVID-19 cộng đồng tăng lên, tỉnh đã có những điều chỉnh, tăng quân số để các chốt đảm bảo nhiệm vụ. Tại các địa phương cũng thành lập các chốt kiểm soát ở các vị trí tiếp giáp với tỉnh, thành lân cận và các khu vực phong tỏa. Tại các chốt này, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, y tế, dân quân đang nỗ lực hết mình, ngày đêm cắm chốt, trở thành tấm “lá chắn” ban đầu quan trọng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 từ bên ngoài vào địa phương.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 số 1 thuộc phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long là một trong các cửa ngõ đầu tiên, quan trọng để vào tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm người và phương tiện đến khai báo y tế để được vào địa bàn tỉnh. Các lực lượng của chốt tổ chức phân luồng, điều tiết, đồng thời yêu cầu khai báo y tế và kiểm tra giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 còn trong thời hạn theo quy định của tỉnh. Vì là vị trí cửa ngõ nên áp lực công việc và mức nguy cơ tại chốt kiểm soát dịch này khá cao. Không ít lần các thành viên chốt phải đối mặt nguy cơ dịch bệnh khi vô tình tiếp xúc với trường hợp F0 đến khai báo y tế. Sự chủ động trang bị bảo hộ và ý thức phòng bệnh đã phần nào giúp các lực lượng tránh được sự lây nhiễm để tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Chia lửa với đội ngũ y tế của tỉnh, những ngày qua các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa Triều An - Loan Trâm (bệnh viện tư nhân tại tỉnh Vĩnh Long) đã tình nguyện đi vào tâm dịch, tiên phong đến hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân, tiểu thương để sớm tìm ra các F0 còn tiềm ẩn trong cộng đồng.
Cử nhân xét nghiệm Võ Tuấn Khanh cho biết, cùng với lực lượng y tế địa phương, các tình nguyện viên đã đến 15 xã thị trấn của huyện Long Hồ để lấy mẫu xét nghiệm. Dưới thời tiết khắc nghiệt, những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đã tự chở nhau trên chiếc xe máy để đảm bảo di chuyển nhanh gọn, đi từng ngõ, gõ từng nhà để xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ. “Hầu như anh em làm việc hết công suất, hết việc chứ không hết giờ, đi sao cho hợp lý, đảm bảo vừa nhanh vừa không bỏ sót những trường hợp có nguy cơ. Mình cũng xác định làm công tác xét nghiệm, nhất là đi từng nhà thì sẽ vất vả, nguy hiểm. Tuy nhiên, bản thân là nhân viên y tế nên cũng không ngại gì, lúc làm việc thì trang bị cẩn thận, đúng quy định bảo hộ cá nhân để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.”- Cử nhân xét nghiệm Võ Tuấn Khanh nói.
Trong cuộc chiến chống COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long không thể quên sự góp sức của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đang nỗ lực từng ngày để giành lấy sự sống, sức khỏe cho các bệnh nhân. Những “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm âm thầm điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Vừa kết hôn được 5 ngày, bác sỹ trẻ Trần Điều Ngọc Hân đã khăn gói vào Bệnh viện Phổi Vĩnh Long để thay ca cho đồng nghiệp đã hơn 2 tháng phục vụ điều trị tại đây. Bệnh viện được phân cấp là nơi tập trung điều trị các trường hợp F0 nặng của tỉnh. Lực lượng bác sỹ đang nỗ lực từng ngày để giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Ý thức được mức độ nghiêm trọng của đợt dịch này, sự khó khăn khi đa số bệnh nhân có bệnh lý nền, các bác sỹ đã luân phiên chia ca trực 24/24 theo dõi sát để hỗ trợ bệnh nhân.
Đối với ca bệnh diễn biến nặng, bác sỹ trực thông báo Tiểu ban điều trị để tiến hành hội chẩn, tìm hướng điều trị kịp thời để giúp bệnh nhân hồi phục, hạn chế tử vong. Ngoài ra, đối với bệnh nhân, tâm lý là rất quan trọng nên trong lúc làm nhiệm vụ các bác sỹ cũng luôn động viên giữ tâm trạng thoải mái, cố gắng chiến thắng bệnh tật. Bác sỹ Trần Điều Ngọc Hân chia sẻ: “Đã vào trực thì cũng chưa xác định khi nào ra, chỉ biết nỗ lực từng ngày điều trị để bệnh nhân nhanh hồi phục, xuất viện. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên gia đình cũng chia sẻ và động viên để tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng, Trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca mắc tăng nhanh đã gây áp lực trên đội ngũ y tế của tỉnh tại mọi vị trí từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Tất cả các vị trí công việc đều tăng nhiều lần so với lúc bình thường, toàn bộ nhân viên ngành Y tế đã được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đạt được mục tiêu khoanh vùng dập dịch trong cộng đồng và điều trị khỏi các trường hợp diễn tiến nặng là những điều mà đội ngũ y tế đang nỗ lực hoàn thành, sớm đưa tỉnh Vĩnh Long về trạng thái an toàn.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Là một người thầy thuốc ai cũng mang trong mình sứ mạng đem về cho người bệnh một trạng thái sức khỏe tốt nhất có thể. Với dịch COVID-19, có những trường hợp diễn tiến nặng, nhanh, cần thiết sự theo dõi sát sao 24/24, cùng với những quyết định điều trị kịp thời mới giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nặng.
Chính vì thế, những này qua đội ngũ y bác sĩ thực hiện công tác điều trị tại khu vực bệnh nặng có những ekip chỉ được chợp mắt 1 giờ/1 ngày, có những giây phút mà y bác sĩ không dám ngồi, luôn đứng trực để canh từng nhịp tim, từng chỉ số SpO2 của bệnh nhân thay đổi. Trong 3 tuần qua, có bác sĩ, điều dưỡng sụt 3-4 kg. Tuy nhiên, tất cả đều đang nỗ lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 89 bệnh nhân được điều trị khỏi, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, đó là niềm động viên để chúng tôi tiếp tục chiến đấu tiếp với dịch bệnh, sớm mang lại sức khỏe và nụ cười cho bệnh nhân”.
Tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch
Trong những ngày “bám chốt trực” và đối diện với áp lực bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch luôn nhận được sự đồng hành và chia sẻ từ người dân. Hình ảnh những phần cơm, những đòn bánh tét, những chén cháo giữa đêm khuya được trao cho các lực lượng đã làm ấm lòng những người đang dõi theo nơi tuyến đầu chống dịch.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Vĩnh Long Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết, những ngày qua, Hội đã tích cực kêu gọi hội viên cùng tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch. Không ngại khó, ngại khổ, các cán bộ, hội viên đã tự nguyên đăng ký tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Nhiều hội viên tranh thủ vận động nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực cho các chốt trực kiểm soát, phục vụ các bữa ăn cho các chốt kiểm dịch.
Là người phụ trách trực tiếp bếp ăn hỗ trợ cho các chốt kiểm dịch trên địa bàn, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Hội, thành phố Vĩnh Long Vương Thị Ngọc cho biết: “Cũng có chị em phụ nữ tham gia làm nhiệm vụ ở các chốt phong tỏa nên hiểu được vất vả của các lực lượng tại đây. Do đó mà các hội viên đã bàn với nhau cùng duy trì bếp ăn này. Mỗi ngày hai buổi, các chị em sẽ nấu các món ăn cho các chốt. Điều đáng mừng là từ khi thực hiện đã có nhiều tổ chức, bạn bè cũng chung tay hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm để bữa ăn được đầy đủ dưỡng chất hơn”.
Tại xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, một bếp ăn 0 đồng của Ủy ban nhân dân xã cũng được ra đời để hỗ trợ những suất cơm nóng hổi, đủ dinh dưỡng cho lực lượng y tế, chốt kiểm soát dịch bệnh và phong tỏa. Những nữ cán bộ, công chức của xã cứ thay nhau túc trực tại bếp ăn để hỗ trợ. Không chỉ góp công, mọi người còn tích cực đóng góp, vận động bạn bè, người thân tham gia. Từng bao gạo, mớ rau, củ gừng cứ lần lượt được các mạnh thường quân, người dân địa phương ủng hộ làm phong phú thêm bếp ăn. Cứ như thế những bữa ăn được chăm chút ngày ngày được chuyển đến để lực lượng làm nhiệm vụ vững tâm hơn.
Ông Nguyễn Văn Út trực tại chốt khu phong tỏa ấp Long Bình, xã Lộc Hòa, Long Hồ chia sẻ: “Ở chốt trực lúc nào cũng được địa phương và nhân dân quan tâm. Cứ đến giờ cơm thì các em mang ra, phần cơm nóng mình ăn cũng có sức khỏe để làm việc. Rồi buổi tối thì người dân cũng tới hỗ trợ, có người cho mấy chai nước, người cho trái cây để các anh em dùng trong lúc thức đêm mệt mỏi. Ai cũng nhiệt tình muốn góp một phần vào công tác phòng, chống dịch ở địa phương”.
Ngày nào cũng đi sớm về muộn, có mặt ở nhiều nơi để tiếp nhận sự hỗ trợ của mọi người rồi đem đến những nơi cần, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thành Trung, huyện Bình Tân Nguyễn Văn Lợi đã trở thành nhịp cầu nối mang những đóng góp của người dân địa phương đến cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Thông qua các kênh như facebook, zalo, anh Nguyễn Văn Lợi đã tích cực vận động kinh phí, nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho các chốt kiểm soát, khu cách ly tại địa phương.
Với chiếc xe tải nhỏ được các mạnh thường quân cho mượn, hàng ngày anh rong ruổi nhiều nơi để thu gom nông sản của người dân hỗ trợ, đến giờ anh lại đi nhận cơm về cung cấp cho các khu cách ly và chốt kiểm soát trên địa bàn. Hơn ai hết, bản thân anh cũng ý thức được nguy cơ dịch bệnh nhưng vẫn sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ với tinh thần cống hiến của tuổi trẻ. Với anh Nguyễn Văn Lợi tham gia phòng, chống dịch dù ở tuyến đầu hay hậu phương đều là góp sức cho nhiệm vụ chung, hậu phương vững thì tiền tuyến mới mạnh, chỉ có đồng lòng mới vượt qua đại dịch.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, mỗi đóng góp của người dân dù nhỏ cũng vô cùng ý nghĩa, đây là nguồn động viên tinh thần giúp các lực lượng tuyến đầu yên tâm làm nhiệm vụ. Song song đó, tinh thần trách nhiệm và ý thức của mỗi người dân cũng góp sức làm cho phòng tuyến chống dịch của tỉnh thêm phần vững chắc.
Bài cuối: Nhanh chóng đưa Vĩnh Long về vùng xanh an toàn