Điển hình như, ngày 9/6, địa bàn huyện Long Hồ đã xảy ra hai vụ sạt lở bờ sông làm mất 180m bờ sông, kéo theo các tuyến đường đan, dây điện và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục căn nhà, thiệt hại tài sản trị giá hơn 460 triệu đồng. Tiếp đó ngày 12/6, sạt lở một đoạn bờ sông dài 40m thuộc tuyến sông Trà Ôn (đoạn từ trước chợ Tích Thiện đến Trường Trung học Cơ sở Tích Thiện) ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, làm ảnh hưởng đến 9 hộ dân, trong đó có 8 hộ bị sạt xuống sông hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 2,2 tỷ đồng.
Theo ngành chức năng, ngoài yếu tố tác động do tự nhiên như dòng chảy, biến đổi khí hậu, gần đây, tác động của con người là nguyên nhân làm gia tăng xói lở bờ sông như: nạo vét sông ngòi, kênh, rạch quá mức không theo quy định làm mất ổn định bờ sông gây sạt lở; xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, từ nhiều năm qua, ngành chức năng của tỉnh luôn duy trì thực hiện hai giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình. Tính từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 10 tuyến kè bê-tông cốt thép kiên cố; gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện 4.336 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đề nghị, trong các tháng còn lại của năm 2023, các địa phương thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, xung yếu, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Song song đó, các ngành, địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế; đồng thời di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở.
Các ngành, địa phương tổ chức thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.