Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành, thị phân công lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng tránh, ứng phó trên địa bàn quản lý, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm. Các ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời thông tin cảnh báo đến các địa phương và người dân để chủ động phòng, tránh; nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng (kể cả các khu vực có nguy cơ ngập úng ở đô thị).
Các địa phương chủ động rà soát và di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật và huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn.
Các ngành, địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản; có biện pháp gia cố lồng nuôi, dây neo, bờ bao, thu hoạch sớm các loại thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm, di chuyển lồng bè đến vị trí an toàn, hướng dẫn nhân dân biện pháp chăm sóc thủy sản để giảm thiểu thiệt hại khi có mưa lũ xảy ra.
Các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình đập, hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập để đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người, phương tiện lưu thông khi mực nước lên cao, không đảm bảo an toàn...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tục có các hiện tượng thiên tai cực đoan, mưa lũ di chuyển phúc tạp, trái quy luật và diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2022 đã xảy ra 13 đợt thiên tai, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 94 tỷ đồng, làm 1 người chết, 1 người bị thương, hư hỏng 118 ngôi nhà, 11 điểm trường, 1 cơ sở y tế, 6 công trình văn hóa, 1 trụ sở cơ quan và nhiều thiệt hại khác.