Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành liên quan và khoảng 300 người dân tộc Mông đang sinh sống tại các thôn, bản thuộc 3 huyện biên giới trên địa bàn tỉnh đã tham dự.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng 3 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện đề án, trao giấy khen của Trưởng Ban dân tộc tỉnh tặng 1 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông.
Tại Hội nghị, đại biểu các sở, ban, ngành và đại diện các thôn, bản có người dân tộc Mông sinh sống đã trình bày tham luận về những hiệu quả của việc tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa vùng dân tộc Mông, góp phần xây dựng dòng họ, thôn, bản văn hóa tại khu vực miền núi.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Khó khăn của đồng bào dân tộc Mông là do điểm xuất phát vùng dân tộc thiểu số miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, việc ban hành chính sách, chủ chương của Đề án này góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân tộc Mông”.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang có 3.479 hộ dân/17.131 nhân khẩu người dân tộc Mông, cư trú tại 44 bản thuộc 10 xã của 3 huyện biên giới Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong giai đoạn 2013-2020, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông với tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 4,2 tỷ.
Trong đó, công tác tuyên truyền đã tổ chức 12 hội nghị với 900 người tham gia, tổ chức cho 21 người gồm trưởng họ, già làng, người uy tín đi tham quan các địa phương có nếp sống văn hóa tang lễ tại Hà Giang. Bên cạnh đó, đề án đã hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông, hỗ trợ dòng họ và gia đình tổ chức tang lễ hơn 1,6 tỷ, đã có 380 đám tang người dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn hóa và 1.939 gia đình người Mông đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Việc thực hiện đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông, xóa bỏ hủ tục lạc hậu như: bắn súng thông báo khi có người chết, không đưa người chết vào quan tài ngay, tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày khi có người chết, người chết được chôn ở nghĩa địa tập trung, đỡ tốn kém chi phí do tổ chức đám tang nhiều ngày. Qua đó, việc giúp đồng bào dân tộc Mông thực hiện tang lễ theo nếp sống văn hóa là bước đột phá trong ổn định đời sống, phát triển kinh tế của bản thân, gia đình, góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện tiếp tục duy trì thực hiện tốt mục tiêu mà đề án đề ra. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho UBND các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát thực hiện quy hoạch 31 nghĩa địa tập trung, xây dựng đường đi cho 33 bản và hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc Mông tổ chức tang lễ theo nếp sống văn hóa.