Gia đình Ông Lương Văn Sự, ở thôn Kai Con, xã Hàm Yên có 8 con lợn có trọng lượng từ 40 kg trở lên bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, xuất hiện những đốm đỏ trên thân mình rồi chết. Ngay khi phát hiện hiện tượng bất thường, ông đã báo cáo lên chính quyền xã và lực lượng chuyên môn. Kết quả xét nghiệm xác nhận lợn mắc virus dịch tả lợn Châu Phi. Không chỉ hộ ông Sự, nhiều gia đình trong thôn cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Nhờ được tuyên truyền, các hộ đã đồng thuận tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nhiễm bệnh, không để dịch lan rộng.
Cán bộ thú y và người dân xã Hàm Yên đưa lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy
Đến ngày 22/7, xã Hàm Yên ghi nhận hơn 20 hộ dân ở 5 thôn gồm Ba Trãng, Đồng Ca, Kai Con, Xa Hạc và thôn 3 Thuốc Hạ có lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi.
Từ đầu tháng 7 đến nay, tại 3 xã vùng cao, biên giới của tỉnh gồm Quản Bạ, Lùng Tám, Bạch Đích liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi. Báo cáo của Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu cực VIII, dịch bệnh đã xuất hiện tại 12 hộ, thuộc 9 thôn, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 62 con, trọng lượng 2,6 tấn.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 20/7, dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng ra 215 hộ ở 111 thôn của 33 xã, tổng số lợn chết và buộc tiêu huỷ lên tới 2.064 con, với tổng khối lượng tiêu hủy hơn 117 tấn.
Tại các xã có dịch tả lợn Châu Phi, lực lượng thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương chủ động sử dụng vật tư, phương tiện tại chỗ, tổ chức tiêu độc, vệ sinh môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ và kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng 1.031 lít hóa chất và 18.352 kg vôi bột để xử lý chuồng trại và khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, mạnh và phát tán trên phạm vi rộng. Để khẩn trương bao vây, khống chế, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng xã hàm Yên vệ sinh khử trùng tiêu độc tại ổ dịch.
Đối với các xã, phường chưa xảy ra dịch bệnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chỉ đạo phòng chuyên môn, nhân viên chăn nuôi, thú y cấp xã chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm. Kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm, bảo đảm đúng quy định khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ.
Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh; bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Đối với các xã đang xảy ra dịch bệnh cần khẩn trương khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thực hiện nghiêm việc công bố dịch bệnh khi đủ điều kiện công bố dịch xảy ra trong phạm vi theo quy định.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các thôn, bản để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thành lập tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi cấp xã, các thành viên trong tổ phải bám nắm địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không đúng quy định, vứt xác lợn, các sản phẩm từ lợn ra môi trường…
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, các Sở, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại các xã, phường, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh; kịp thời báo cáo những khó khắc, vướng mắc ở cơ sở và tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có những giải pháp chỉ đạo kịp thời. Xem xét sử dụng hóa chất, sát trùng từ nguồn dự trữ (hoặc đề xuất hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia) để thực hiện công tác tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan…
Theo ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các ổ dịch phát sinh và lan rộng gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi. Để nhanh chóng bao vây, khống chế, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi thì mỗi hộ chăn nuôi, trang trại, địa phương phải là một pháo đài chống dịch.
Ngay khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp khoanh vùng. Tuyệt đối không bán chạy, bán tháo, vận chuyển, vứt xác lợn chết ra môi trường, không tái đàn khi ổ dịch chưa qua 21 ngày và chưa được kiểm soát triệt để…