Ông Phạm Trung Chánh - Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, thị xã Tây Ninh được công nhận đô thị loại III vào năm 2012 và trở thành thành phố vào năm 2013. Những năm qua, tỉnh và thành phố Tây Ninh đã quan tâm đầu tư, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị của thành phố theo các tiêu chí đô thị loại II.
Thành phố Tây Ninh có diện tích 139,92 km2; được tổ chức thành 7 phường và 3 xã; tổng dân số tính đến cuối năm 2019 là 257.076 người. Với lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm 2017-2019 là 6,55%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,41%. Tỷ lệ tăng dân số trung bình là 1,86%, bao gồm cả tăng tự nhiên và cơ học.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 900 doanh nghiệp, 171 tổ hợp tác liên kết sản xuất, 14 hợp tác xã và 4 quỹ tín dụng nhân dân, nhiều siêu thị, chợ được hình thành… góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 98,2 triệu đồng, vượt hơn 1,5 lần so với cả nước.
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố Tây Ninh đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố ngày càng tăng cao, đạt 97,8%. Nhiều dự án về nhà ở, chung cư, khu dân cư, khu đô thị mới được triển khai, góp phần nâng diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người lên trên 29 m2/người. Ngoài ra, trên địa bàn có 11 công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị.
Hầu hết các trường học được xây dựng đạt tiêu chuẩn, có đầy đủ các phòng chức năng. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Hệ thống y tế cơ bản được xây dựng hoàn thiện với các cơ sở y tế hiện đại, đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tổng số giường bệnh trên địa bàn thành phố hiện đạt 1.374 giường, bình quân 5,34 giường/1.000 dân.
Đáng chú ý là toàn bộ dân cư của thành phố đều được dùng nước hợp vệ sinh. Hiện dự án nâng cấp hệ thống cấp nước lên 30.000 m3/ngày đang được chuẩn bị đầu tư. Nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống bể tự hoại. Đồ án Quy hoạch chung thành phố Tây Ninh đã thiết kế hệ thống trạm xử lý nước thải tập trung gồm 5 trạm với tổng công suất 68.000 m3/ngày đêm; 100% rác y tế được xử lý.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Tây Ninh cũng thông qua các Nghị quyết khác gồm: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành chuẩn hộ nghèo cấp tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết ban hành quy định việc lập dự toán, sử dụng, quản lý và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết đặt tên cầu Cây Ổi (huyện Châu Thành) và cầu An Phước (thị xã Trảng Bàng), tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa phương.