Trên 70% sản phẩm OCOP ở Tiền Giang có mức tăng trưởng cao

Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, qua khảo sát sơ bộ có hơn 70% sản phẩm được chứng nhận OCOP của Tiền Giang có mức tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị…

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng (thứ hai từ trái sang) đánh giá về sản phẩm OCOP (ảnh tư liệu).

Nhìn chung, sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, được các đơn vị bán lẻ hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu tăng và khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Từ kết quả trên, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có từ 5-7 điểm du lịch nông thôn, phấn đấu 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên website chuyên về OCOP của tỉnh. Có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Huyện Gò Công Tây đi đầu trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm với 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 22 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao và 9 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Gò Công Tây phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nê cho biết, để thúc đẩy OCOP phát triển hiệu quả gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa thông tin, truyền thông cho cán bộ, người dân và cộng đồng địa phương cũng như doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của OCOP. Huyện tổ chức rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở, tạo điều kiện để chủ thể tham gia chương trình một cách rộng rãi.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với các sản phẩm đặt thù như mai kiểng cổ, các sản phẩm chế biến từ yến, chả lụa, mắm, cơm cháy chiên, gà tre, các sản phẩm rượu chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, định hướng của Tiền Giang là tích cực đưa Chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đặc biệt, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối cùng các cấp, các ngành hữu quan tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Mặt khác, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hệ thống tư vấn thực hiện OCOP, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm; một mặt đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách rộng rãi ra thị trường trong ngoài tỉnh, đến các khách hàng trong ngoài nước

Ông Lưu Văn Phi cho biết, Tiền Giang tập trung mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông, lâm, thủy sản của tỉnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi nhất là các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Đối với thị trường nội tỉnh, địa phương đã hỗ trợ 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định nhận diện thống nhất của Bộ Công Thương. Sắp tới, tỉnh sẽ phát triển thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tiền Giang còn  hỗ trợ tem sao, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc QR code dành các chủ thể đạt chứng nhận OCOP và hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký vay tín dụng tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để thúc đẩy phát triển sản phẩm và tăng trưởng doanh thu.

Tiền Giang tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. Tỉnh hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP; giúp các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, homestay, farmstay…

Điển hình trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tiền Giang sẽ tổ chức Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông - thủy sản, thực phẩm của tỉnh Tiền Giang quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, nhất là các sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Đến nay, Tiền Giang đã có 207 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh. Trong số đó, có 95 sản phẩm 4 sao và 112 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ngoài ra, còn có 5 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Hành trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử
Hành trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử

Khánh Hòa là một trong những tỉnh nổi bật và điển hình về việc ứng dụng công nghệ và quản lý thông tin đối với các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN