Nhờ sự chủ động trong việc áp dụng công nghệ cao, nông dân Khánh Hoà đã thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong sản xuất, từ việc quản lý trang trại đến việc vận chuyển và tiếp thị sản phẩm.
Sự kết hợp giữa công nghệ và quản lý đã giúp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp và đưa chúng lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để các loại sản phẩm nông sản ở Khánh Hòa đứng vững và phát triển mạnh trên thị trường, trong khi người nông dân thì chủ yếu tập trung vào việc đầu tư thâm canh để tăng năng suất và sản lượng, còn các tiểu thương chỉ muốn bán được hàng hóa với mức có lãi. Chính vì vậy, hàng hóa nông sản luôn chịu nhiều rủi ro nhất về thị trường tiêu thụ và nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Chúng tôi đến thị xã Ninh Hoà - nơi vừa có biển vừa có đồng bằng và núi. Địa phương này có nhiều sản phẩm nông nghiệp được thị trường trong cả nước tin dùng. Theo Ông Nguyễn Công Tính - Phó chủ tịch Hội nông dân thị xã Ninh Hoà, vai trò của hội nông dân trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử là vấn đề cần thiết, giúp cho bà con nông dân dễ dàng xâm nhập vào thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hội nông dân còn mang lại sự ổn định trong sản xuất và tăng giá trị cho nông sản. Không những thế, thương hiệu còn ràng buộc người sản xuất, doanh nghiệp và nhà phân phối phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với sản phẩm do mình làm ra, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Hội nông dân thị xã Ninh Hoà, những năm qua nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, UBND thị xã đã cho phép xây dựng nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa”.
Tháng 6/2016, nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp quyết định và giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” và giao cho Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa làm chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường Ninh Giang cũng đã tham mưu cấp ủy xây dựng nhãn hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” vào năm 2017.
Để duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể, Hội nông dân thị xã Ninh Hoà đã phối hợp mở các hội nghị tuyên truyền cho các hộ trồng dừa xiêm, hộ trồng hoa cúc, và các hộ kinh doanh dừa xiêm về các Quy chế sử dụng tem và nhãn hiệu tập thể, kiểm tra việc sử dụng tem và nhãn hiệu tập thể.
Đồng thời, tiếp tục quảng cáo nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” và nhãn hiệu “Hoa Cúc Ninh Giang” qua các phương tiện thông tin, báo đài, việc thành lập trang web và tham gia hội chợ nông sản. Ngoài ra, Hội nông dân thị xã Ninh Hòa đã tổ chức tập huấn và tổ chức sơ kết đánh giá việc sử dụng nhãn hiệu để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm phát huy hiệu quả của nhãn hiệu.
Để duy trì và giữ vững nhãn hiệu nông sản, Hội nông dân thị xã Ninh Hòa đã cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 2 dự án tổ hợp tác dừa xiêm Ninh Đa và tổ hợp tác hoa cúc Ninh Giang với số tiền là 1 tỷ đồng, để hỗ trợ 20 hộ mở rộng diện tích trồng mới và thâm canh chăm sóc vườn dừa và hoa cúc.
Hội Nông dân thị xã đã phối hợp với Bưu điện thị xã Ninh Hoà tổ chức 27 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn cho hơn 1.200 hội viên nông dân tham dự. Kết quả, đã có trên 200 sản phẩm, và hơn 200 hộ sản xuất nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart.vn.
Hội nông dân thị xã Ninh Hoà còn tổ chức thành công nhiều phiên chợ nông sản. Qua đó, sản phẩm của nông dân tiếp cận được với thị trường lớn hơn, sản phẩm được bán tại nhà với giá ổn định và cao hơn thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và tổ hội nghề nghiệp.
Mô hình tiêu biểu về ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh là hộ gia đình bà Phạm Thị Thuận, chủ cơ sở sản xuất chả cá Thuận (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh).
Bà Thuận chia sẻ rằng nghề làm chả cá truyền thống được gia đình duy trì và phát triển đã hơn 20 năm. Trước đây, gần như mọi công đoạn đều phải thực hiện thủ công, hệ thống phi-lê tách thịt cá, những công đoạn này tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở đã áp dụng máy móc hiện đại, công suất cao, không chỉ giải phóng tối đa sức lao động mà còn đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không dừng ở đó, gia đình bà Thuận tiếp tục đầu tư nuôi trồng thuỷ hải sản. Hiện nay, bà đã đầu tư khoảng 500 lồng bè nuôi cá và 3 lồng HDPE, được khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50%.
Về vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hoà cho biết, hiện nay, Khánh Hoà có 178 hợp tác xã hoạt động trên 7 lĩnh vực, thu hút hơn 39.000 thành viên và 13.000 lao động, với doanh thu và lãi bình quân cao.
Để phát triển nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào 9 chuỗi liên kết sản xuất cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn có sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã.
Các chuỗi liên kết này đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng giá trị gia tăng cho người lao động và người tiêu dùng.
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hoà, hiện nay, việc thông tin về ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, xây dựng mã vùng trồng, nhật ký điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất kinh doanh là một yêu cầu chính đáng của nông dân.
Một bộ phận nông dân Khánh Hòa đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại trong tổ chức sản xuất, quản lý trang trại, truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm, vận chuyển, bảo quản nông sản, đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử... . Qua đó, đã giúp nâng cao giá trị nông sản so với sản xuất thông thường.
Đây chính là nền tảng để ngành nông nghiệp tỉnh khai thác có hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện.