Trao 'cần câu' để người nghèo phát triển kinh tế bền vững

Chương trình hỗ trợ cây, con giống hàng năm của tỉnh Bình Phước cho hộ đồng bào dân tộc thiếu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách được xem là giải pháp trao “cần câu” giúp người dân giảm bớt chi phí, nâng cao ý thức trong lao động, sản xuất, từng bước phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Cây điều giống ghép cao sản AB29, AB0508 và PN1. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Từ trao cây giống…

Tại huyện Phú Riềng, Hội Nông dân xã Long Tân đã trao tận tay 1.300 cây điều ghép - giống điều AB29 theo tiêu chuẩn TCVN 10684-3:2018 tiêu chuẩn quốc gia, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở Bình Phước. Cây trưởng thành nếu được chăm sóc tốt có thể đạt năng suất từ 3 tấn/ha trở lên.

Gia đình chị Điểu Thị Ít (xã Long Tân) vừa nhận 90 cây điều ghép để trồng trên diện tích 0,8 ha. Theo chị Ít, thời gian qua, cây điều trồng bằng hạt hơn 20 năm đã già cỗi, sâu đục thân gây hại nên năng suất thấp. Vì vậy, vụ mùa vừa qua, sau khi thu hoạch xong, gia đình chị đã cưa bỏ, cải tạo đất để trồng mới. “Do điều kiện của gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa mua được cây giống sớm để trồng. Nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ cây giống điều ghép nên gia đình tôi rất mừng và bắt tay trồng kịp trong mùa mưa”, chị Ít chia sẻ.

Xã biên giới Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) là một trong những địa phương còn khó khăn về kinh tế; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 73%. Hầu hết vườn điều của các hộ dân chủ yếu trồng bằng hạt, diện tích điều đã già cỗi nên năng suất rất thấp. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bù Gia Mập, niên vụ vừa qua, năng suất bình quân của vườn điều chỉ đạt 0,7 tấn/ha. Đây là năng suất thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Năm 2024, toàn xã Bù Gia Mập có 214 hộ được cấp gần 13.000 cây điều giống. Số cây trên mới chỉ đáp ứng khoảng 46% nhu cầu về cây giống so với thực tế. Tuy nhiên, việc hỗ trợ để người dân chuyển đổi sang giống mới phù hợp được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới.

Ông Điểu Văn Nui (thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập) từng nghe nói về cây điều ghép nhưng chưa một lần được trồng. Năm nay, gia đình ông Nui vui mừng nhận được 47 cây điều ghép khi đăng ký từ chương trình. Dù số cây giống chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng gia đình ông rất vui vì không phải bỏ tiền mua cây giống. Ông Nui cho biết, do nhiều cây điều trồng sau nhà ít trái nên gia đình ông quyết định cưa bỏ để trồng điều mới. Sau khi đăng ký chương trình hỗ trợ cây, con giống, gia đình ông được cấp cây điều giống. Ông sẽ cố gắng chăm sóc để cây phát triển tốt.

Tại thôn Bù Dốt, dù khá bận rộn với việc nương rẫy nhưng ông Điểu Ben vẫn tranh thủ thời gian đến nhận gần 100 cây điều ghép. Hiện, gần 100 cây điều ghép đã được ông Ben trồng xong. Theo ông Ben, vài năm gần đây, vườn điều của ông liên tục mất mùa dù điều kiện chăm sóc vẫn khá tốt. Trước kia, ông Ben và nhiều hộ dân trên địa bàn chủ yếu trồng bằng hạt. Cây cho thu hoạch lâu, thường xuyên thất mùa. Nay gia đình ông được Nhà nước cấp cho cây điều ghép cao sản, ông sẽ cố gắng chăm sóc tốt để cây cho năng suất cao.

“Năm nay, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ gần 100 cây điều giống. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để cây điều phát triển khỏe mạnh. Tôi cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ gia đình về cây giống”, ông Ben chia sẻ.

… đến chuyển giao kỹ thuật

Ngoài hỗ trợ cây giống, người dân còn được phát tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm điều nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất. Ngành Nông nghiệp các cấp đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp các hộ dân tự chăm sóc cây trồng tốt nhất.

Được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, ông Điểu Sơn (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) đã chuẩn bị cải tạo lại đất khá kỹ trước khi trồng 103 cây điều ghép cao sản vừa được cấp trong đợt vừa qua. Sau khi dọn sạch vườn, ông Sơn tiến hành khoan hố, bón phân hữu cơ trước khi trồng. Với cách làm này, cây điều ghép sẽ đảm bảo tỷ lệ sống cao. Ông Sơn cho biết, ông đăng ký giống điều ghép và được hỗ trợ hơn trăm cây. Các cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông đã hướng dẫn cho ông và mọi người về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây. Gia đình ông hy vọng, vườn cây sẽ cho năng suất cao hơn giống trồng bằng hạt.

Ông Lương Văn Sung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã bù Gia Mập cho biết, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã cấp gần 13 ngàn cây điều ghép giống AB29 cho những hộ đồng bào dân tộc thiếu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã đã đăng ký trước đó. Đây là giống điều ghép cao sản cho năng suất cao, ổn định và sau hai năm trồng sẽ cho thu hoạch. Trước và sau khi người dân nhận cây giống, địa phương đều hướng dẫn cách trồng đúng kỹ thuật cũng như cầm tay chỉ việc để họ nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây khỏe nhất, đảm bảo tỷ lệ cây sống tốt nhất.

Năm 2024, toàn tỉnh Bình Phước có 9 huyện, thị xã được hỗ trợ 70.000 ngàn cây điều giống. Việc hỗ trợ giống mới sẽ giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có điều kiện tái canh vườn điều già cỗi, năng suất thấp; đồng thời, xây dựng ngành điều theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

K GỬIH (TTXVN)
Xóa nhà tạm, tiếp sức cho người dân vùng biên giới vươn lên thoát nghèo
Xóa nhà tạm, tiếp sức cho người dân vùng biên giới vươn lên thoát nghèo

Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Để tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động nhân lực, phối cùng các nhà hảo tâm xây dựng nhiều nhà Đại đoàn kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN