Trong bối cảnh hàng chục nghìn người dân của tỉnh từ nhiều tỉnh, thành phố trở về quê, các Tổ nhân dân tự quản tích cực tham gia quản lý, tuyên truyền, hỗ trợ bà con.
MTTQ các cấp duy trì công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ nhân dân tự quản. Để chủ động tham gia phối hợp quản lý, hỗ trợ người dân từ các địa phương khác trở về Đồng Tháp, Ủy ban MTTQ các cấp kích hoạt mô hình Tổ nhân dân tự quản trong việc theo dõi và kiểm soát chặt chẽ địa bàn; phối hợp với ngành chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm biện pháp phòng, chống dịch với 2.280 cuộc, thu hút hơn 171.600 lượt người tham gia.
Nhiều Tổ nhân dân tự quản tham gia đóng góp, vận động, tiếp nhận và phát quà, cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí… cho những người trở về từ vùng dịch. Trong 7 ngày qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các Tổ nhân dân tự quản đã vận động hỗ trợ trên 60.700 suất ăn, 2.300 thùng mì gói, hơn 38.000 ổ bánh mì, chai nước và hàng ngàn phần quà…, tổng trị giá trên 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân gặp khó khăn đã được hỗ trợ tiền mặt với tổng số tiền hơn 92 triệu đồng.
Là một trong những phường trung tâm của thành phố Cao Lãnh, tập trung đông dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2 đã phát huy vai trò của 68 Tổ nhân dân tự quản trong việc quản lý người về từ vùng dịch. Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 8, khóm 1, Phường 2, thành phố Cao Lãnh cho biết, quản lý chặt chẽ các hộ trong tổ là điều rất quan trọng nhằm bảo vệ địa bàn trước dịch COVID-19. Do vậy, cùng với thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt biện pháp phòng dịch, các tổ còn giám sát, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện nhiều trường hợp về từ địa phương khác, nhắc nhở những người này khai báo y tế và cách ly theo quy định. Việc quản lý chặt địa bàn, không để dịch COVID-19 xâm nhập được các hộ trong tổ ủng hộ.
Các Tổ nhân dân tự quản quan tâm hoàn cảnh gia đình những trường hợp về từ vùng dịch ở địa bàn dân cư; theo dõi và nắm chắc số nhân khẩu, hộ khẩu của tổ mình; triển khai cho hộ dân trong tổ không được đón, cho ở nhờ đối với người chưa nắm rõ yếu tố dịch tễ, người ở các tỉnh khác đi qua địa bàn. Tổ nhân dân tự quản đã phát huy vai trò giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe hàng ngày đối với những người dân trên địa bàn, nhất là khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở… để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng. Đồng thời, các thành viên trong Tổ tuyên truyền, vận động, động viên người thân của mình nếu còn khả năng sinh sống, có cơ hội tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố không nên về quê trong thời điểm hiện nay.