Đắk Lắk chăm lo cho người dân trở về quê hương 

Tinh thần tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam bao đời nay đang được thể hiện rõ nét trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 này. Tại tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua, những phần cơm, cháo, nước uống, sữa miễn phí hoặc hỗ trợ tiền, hỗ trợ phương tiện… đã làm ấm lòng những người dân trở về quê hương.

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát giao thông Đắk Lắk sắp xếp dẫn đường cho người dân đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Ấm lòng người về

Đắk Lắk đã tổ chức 3 đợt đón công dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên và tiếp nhận hơn 18.000 người dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về. Đồng hành với người dân, nhiều bếp ăn nghĩa tình của các tổ chức từ thiện, cơ quan, đơn vị đã đỏ lửa ngày đêm để đưa những suất ăn nóng hổi tiếp sức cho công dân khi về đến địa phương hoặc đi qua địa bàn tỉnh. 

Anh Phạm Ngọc Cường, quê ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cùng vợ vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nhiều năm nay. Do dịch COVID-19, bốn tháng nay, vợ chồng anh không có việc làm. Đến nay, tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được cải thiện khá tốt song cơ hội công việc của anh và vợ không còn. Do đó, vợ chồng anh quyết định về quê, xem xét tình hình dịch rồi mới tính toán công việc tương lai. Anh Cường chia sẻ, vợ chồng anh trở về được chính quyền và nhân dân các tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Nhiều người giúp đỡ, cho đồ ăn, nước uống, vợ chồng anh rất biết ơn, cảm nhận sâu sắc hơn về tấm lòng đùm bọc, yêu thương của đồng bào.

Vợ chồng anh Cường, chị Đỗ Thị Thanh Châu, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, lập gia đình nhiều năm nay. Dịch COVID-19 ập đến khiến chi tiêu lẫn cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn, chị thấm thía hơn hai chữ quê hương, muốn về sống gần cha mẹ và họ hàng. Do đó, gia đình chị quyết định về quê. Đồng hành trên chặng đường dài với gia đình chị là những nghĩa cử cao đẹp của người dân các tỉnh, thành phố như cho tiền xăng, phát cơm, nước, sữa...

Những ngày người dân trở về, một số bếp ăn của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Nhóm bạn Từ tâm Đắk Lắk, UBND phường Thống Nhất (thành phố Buôn Ma Thuột)…đã nỗ lực hỗ trợ, tiếp sức cho người dân và lực lượng chức năng. Khi số lượng công dân về đông, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã điều phối để đảm bảo mỗi người dân đều có suất ăn kịp thời.  

Chú thích ảnh
Cán bộ, nhân viên UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột nấu cơm để phát cho người dân về quê. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột Trịnh Như Ngọc cho biết, phường có quỹ chương trình Bếp cơm xã hội, do đó đã trích quỹ mua 1.000 ổ bánh mì và nước uống, đồng thời nấu 200 – 500 suất ăn/ngày để hỗ trợ người dân về quê. Qua các suất ăn, phường mong muốn làm ấm lòng người hồi hương và giảm tải cho lực lượng tuyến đầu, thiết thực góp sức cho công tác phòng, chống dịch.

Dọc tuyến đường Quốc lộ 14 từ xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột đến cầu 110, huyện Ea H’Leo của tỉnh Đắk Lắk, những ngày này không khó để bắt gặp những điểm hỗ trợ xăng, áo mưa miễn phí hay phát cơm, phát nước, sữa, bánh mì cho người dân về quê. Tại các huyện, thị xã, thành phố, khi tiếp nhận công dân trở về, MTTQ, hội đoàn thể và các nhà hảo tâm đã có những hoạt động chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Đảm bảo an sinh  

Đối với người dân từ tỉnh, thành phía Nam trở về, tỉnh Đắk Lắk đã phân loại ngay tại Chốt kiểm soát dịch cầu 14. Các huyện, thị xã, thành phố cử tổ công tác túc trực và đưa công dân về địa phương ngay, sau đó test nhanh, phân loại, sàng lọc để có hướng quản lý phù hợp, đưa F0 đi điều trị, F1 cách ly tập trung còn các trường hợp khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Đối với công dân tỉnh, thành khác đi qua địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh dẫn đường hoặc hỗ trợ phương tiện nếu có khó khăn. Nhờ sự phối hợp tốt với các tỉnh, thành khác trong việc nắm số lượng, thời gian di chuyển và nhu cầu của người dân, tỉnh Đắk Lắk đã kiểm soát, điều phối chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, hạn chế nguy cơ dịch bùng phát và lây lan ra cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh đang triển khai chặt chẽ quy trình quản lý công dân trở về tại cộng đồng bằng Bản cam kết phòng, chống dịch và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, nếu sai sót sẽ xử lý nghiêm. Ngoài cung cấp suất ăn, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng phục vụ ân cần, niềm nở tiếp đón, tích cực động viên khi công dân về đến địa phương.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh hỗ trợ tiền xăng cho người dân về quê. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, với số lượng lớn người dân đã trở về, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về; trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh là cơ quan tham mưu.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết Sở đã xây dựng xong dự thảo Đề án giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về. Song số người dân về tiếp tục tăng nên Sở sẽ thống kê, phân tích, sau đó xây dựng các phương án đào tạo hoặc dạy nghề, giới thiệu việc làm... phù hợp. Ngoài quan tâm và đảm bảo đời sống cho bà con từ tâm dịch phía Nam trở về, Sở đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ theo quy định.

Với sự linh hoạt ứng phó, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch vừa hỗ trợ người dân hồi hương, đảm bảo an sinh xã hội. Những nỗ lực của tỉnh đã góp phần củng cố và thắt chặt hơn tình đoàn kết 49 dân tộc anh em trên địa bàn, để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Hoài Thu (TTXVN)
Xúc động cảnh đỡ đẻ cho bà bầu ngay trên chuyến tàu nghĩa tình về quê Quảng Bình
Xúc động cảnh đỡ đẻ cho bà bầu ngay trên chuyến tàu nghĩa tình về quê Quảng Bình

Đang trên chuyến tàu nghĩa tình về quê Quảng Bình, thai phụ đau bụng dữ dội có dấu hiệu doạ sinh. Nhân viên tàu cùng bác sĩ của đoàn công tác tỉnh Quảng Bình đã kịp thời đỡ đẻ cho chị ngay toa tàu, bé trai kháu khỉnh khoảng 3kg chào đời an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN