Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình, xây dựng Chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tỉnh ủy Tiền Giang đưa ra những giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Nhân viên Bảo hiểm Xã hội huyện Gò Công Tây tư vấn cho người dân về chính sách bảo hiểm. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng, quản lý số, đồng thời đảm bảo cho các giao dịch trên không gian mạng an ninh, an toàn, hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Văn Bình cho biết, để đạt mục tiêu, Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Đặc biệt, người đứng đầu phải chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị sao cho phù hợp thực tiễn vừa mang lại hiệu quả cao.

Tiền Giang quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh gắn với đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Trước mắt, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nhằm tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao và quyết liệt trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong, ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Song song đó, tỉnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi số của chính quyền, nhất là tập trung nâng cấp mạng di động 4G trên địa bàn tỉnh cũng như tích cực triển khai hạ tầng mạng di động 5G, phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh phục vụ hữu hiệu quá trình chuyển đổi số. Tiền Giang cũng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; triển khai thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới về chuyển đổi số đối với các lĩnh vực thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, để xây dựng chính quyền số, đô thị văn minh, trong giai đoạn 2021-2025, Tiền Giang chú trọng phát triển hạ tầng số, nền tảng số nhằm cung cấp các dịch vụ nền tảng cho toàn bộ hệ thống chính quyền số, xây dựng các ứng dụng số hướng đến người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên nền thiết bị di động thông minh nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trong giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, tỉnh triển khai xây dựng đô thị thông minh, trong đó tập trung trước mắt cho các lĩnh vực xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa các lĩnh vực tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục...

Tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tiền Giang hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững song song với hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giao thương, tiêu thụ sản phẩm…

Để phát triển xã hội số, Tiền Giang sẽ triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho lãnh đạo các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng tập trung tổ chức rộng rãi các khóa tập huấn, đào tạo đại trà trực tuyến nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân, tiến tới hình thành công dân số với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Minh Trí (TTXVN)
Chuyển đổi số giúp cơ quan, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi
Chuyển đổi số giúp cơ quan, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi

Phương pháp tiếp cận Data-Centric (lấy dữ liệu làm trung tâm), bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay đổi phương thức điều hành, từ cách truyền thống dựa trên nghiệp vụ đơn lẻ sang điều hành dựa trên số liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN