Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức mạng lưới các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng cứu thiên tai, nhất là nâng cao hoạt động của lực lượng xung kích cơ sở bảo đảm đối phó nhanh chóng và hiệu quả các sự cố, chủ động khắc phục hậu quả ngay khi thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Toàn tỉnh đã thành lập được 172 đội thanh niên xung kích ở 100% số xã, phường, thị trấn. Mỗi đội có từ 80 đến 130 thành viên gồm lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích Chữ thập đỏ, đoàn viên thanh niên, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội… được tập huấn, trang bị các kiến thức cơ bản về thực hành cứu hộ, sơ cấp cứu tai nạn, ứng phó sự cố, tai nạn. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này được huy động kịp thời, khẩn trương có mặt tại hiện trường hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả ngay, giảm nhẹ thiệt hại.
Mặc khác, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai cũng như các biện pháp phòng, chống thích hợp… sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân những địa bàn sâu xa, vùng cù lao, vùng ven biển và khu vực ngập lũ đầu nguồn sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười. Song song đó, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo sớm thiên tai trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai mang lại hiệu quả cao.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang phối hợp các ngành, các địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống đê bao ngăn lũ và triều cường trên địa bàn quản lý, khẩn trương nâng cấp và sửa chữa, khắc phục những chỗ hư hỏng đảm bảo chống tràn, chống ngập úng cho các vùng sản xuất trọng điểm. Đặc biệt là xây dựng, bổ sung, rà soát phương án bảo vệ đê điều trong tình huống thiên tai, chú trọng các địa bàn trọng điểm, xung yếu đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ứng phó thiên tai chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, nhân rộng những mô hình trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi phòng, chống sạt lở,…
Ngay từ đầu mùa mưa lũ, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đã xây dựng phương án ứng phó phù hợp từng cấp độ thiên tai dựa vào tình hình thực tế và nguồn lực huy động tại địa phương mình, đảm bảo hiệu quả, an toàn và giảm nhẹ thấp nhất thiệt hại.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết, mặc dù đang vào cao điểm mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long và thời tiết đang diễn biến phức tạp, khó lường nhưng nhờ kịp thời triển khai các phương án chủ động ứng phó nên trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận những vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Sản xuất và đời sống nhân dân những địa bàn trọng điểm vẫn bảo đảm hoạt động bình thường.