Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả, đời sống ngày càng nâng cao. Một trong số đó là ông Bạc Cầm Nói, ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng.
Ông Bạc Cầm Nói đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn đen, dê núi theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các loại vật nuôi này.
Ông Nói chia sẻ, trước đây, gia đình ông và hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Thái ở xã Mường Khiêng quanh năm chỉ biết trồng lúa, ngô, do đó, kinh tế không ổn định, lúc no, lúc đói. Các hộ đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Với bản tính cần cù, chịu khó và quyết tâm thoát nghèo, năm 2012, gia đình ông Nói đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang chăn nuôi lợn đen bản địa, dê núi.
Thời gian đầu, do ít vốn, ông Nói chỉ mua 5 con dê núi và vài con lợn bản về nuôi. Vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, có lứa nuôi cho sinh sản thành công, có lứa mua về nuôi được vài tháng bị chết, ông Nói gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông không nản chí mà ghi chép cẩn thận, tìm hiểu những biểu hiện trên đàn vật nuôi và nhờ đến cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã để được tư vấn kỹ thuật chăm sóc, cách tiêm phòng trừ bệnh… Sau một thời gian làm theo hướng dẫn, đàn gia súc của gia đình ông Nói không những không mắc bệnh mà còn sinh trưởng phát triển tốt.
Bên cạnh đó, để có thêm kiến thức, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài huyện Thuận Châu. Bởi vậy, đến nay, gia đình ông Nói thường xuyên duy trì nuôi trên 30 con dê, 25 con lợn đen.
Theo ông Nói, nuôi dê từ lúc mới đẻ đến khi xuất bán mất khoảng 10 tháng. Đối với lợn đen, thời gian nuôi ngắn hơn, sau khoảng 6 tháng, trung bình trọng lượng đạt khoảng 80 kg/con sẽ xuất chuồng. Để giảm chi phí trong nuôi lợn đen, ông Nói tận dụng tối đa thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cây chuối, bã đậu phụ, bột ngô, sắn.
Về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Nói cho biết, trong chăn nuôi lợn đen và dê, khâu quan trọng nhất là lựa chọn con giống khỏe mạnh, chất lượng tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo định kỳ, chuồng nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng, gió lùa và phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, khẩu phần ăn cũng cần phù hợp với độ tuổi của vật nuôi… Như thế, đàn gia súc mới khỏe mạnh, sinh sản, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao hơn.
Năm 2020, gia đình ông Nói xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn lợn thương phẩm, với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg, gia đình ông thu khoảng 70 triệu đồng và 16 con dê, với giá 130.000 đồng/kg, ông thu được 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông nuôi thêm 10 con trâu, bò. Nhờ vậy, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập hàng trăm triệu.
Nhờ lựa chọn nuôi những loại gia súc có giá trị kinh tế cao như lợn đen, dê núi, trâu, bò là các loại vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương, gia đình ông Nói đã có cuộc sống khá giả. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, xã Mường Khiêng nói riêng, huyện Thuận Châu nói chung sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương trong việc tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ ổn định; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý.