Thanh niên Bắc Ninh sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia và là điểm sáng trong cả nước. Nhờ đó, nhiều mô hình hay, cách làm mới được vận dụng góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế địa phương.

Dám nghĩ dám làm

Lớn lên từ làng nghề có truyền thống đúc đồng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, anh Hoàng Văn Quân, 27 tuổi luôn khao khát lập nghiệp và tiếp nối nghề truyền thống của quê hương. Vì vậy, ngay từ khi còn bé, âm thanh truyền thống từ các loại máy đục, đẽo, đúc đã gắn liền với tuổi thơ, ngấm vào con người anh, cùng anh lớn lên. Hằng ngày, anh phụ giúp bố mẹ làm nghề, lớn lên, anh theo học ngành Thiết kế đồ họa tại một trường Đại học, nhưng trong lòng vẫn đau đáu muốn về phát triển làng nghề.

Nghĩ là làm, mang theo hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ, anh Quân về quê và được bố mẹ giao phụ trách xưởng đúc đồng của gia đình. Anh Quân cho biết: Trước đây, gia đình anh thường làm các loại tranh treo tường, bộ đồ thờ… nhưng sau khi tìm hiểu thị trường, cùng với sự khéo léo, tài hoa cùng khả năng sáng tạo của bản thân, anh mạnh dạn làm thêm tượng đúc.

“Nhu cầu của người dân ngày càng cao, bởi vậy nhiều gia đình có nhu cầu đúc tượng thờ, tượng cá nhân… Chỉ cần mọi người đưa mẫu là xưởng sẽ phác thảo, làm theo yêu cầu”, anh Quân nói.

Chú thích ảnh
Anh Hoàng Văn Quân (thứ 2 từ phải) giới thiệu sản phẩm làng nghề của mình.

Mặc dù có sự hậu thuẫn từ gia đình, nhưng khi khởi nghiệp, vấn đề vốn vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Được sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, tháng 6/2023, anh được biết và tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp với số tiền 1,5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Đây được ví như bà đỡ giúp anh có thêm động lực phát huy sức trẻ, phát triển sản phẩm làng nghề, làm giàu chính đáng.

Anh Quân chia sẻ: Sau khi giải ngân, anh đã dùng số tiền đó đầu tư thêm máy móc, mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất. Bởi vậy, anh có thể chủ động tìm kiếm, mở rộng đối tác; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đến nay, mô hình khởi nghiệp của anh Hoàng Văn Quân cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với số tiền công 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Cũng giống như anh Hoàng Văn Quân, mang trong mình khát khao lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Thu, 32 tuổi, quê tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, luôn ấp ủ ý tưởng sáng tạo những sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có nguồn gốc tự nhiên. Nhờ điểm tựa từ nguồn vốn vay của Đoàn viên thanh niên, chị Thu đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đảm bảo nguồn đầu vào cho sản phẩm.

Chia sẻ về thời gian mới khởi nghiệp, chị Thu cho biết: Hành trình khởi nghiệp của chị bắt đầu với quả bồ kết, với vốn liếng chưa đầy 10 triệu đồng. Ban đầu, chị mua bồ kết rang lên và nghiền thành bột, đóng túi lọc, bán cho bạn bè và những người quen biết. Sau đó, theo nhu cầu của khách hàng, chị nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất sản phẩm nước gội đầu bồ kết.

Qua nhiều lần thử nghiệm, năm 2015, chị đã thành công và cho ra sản phẩm dầu gội đầu bồ kết đóng chai với thương hiệu VietKet. Khác với các loại dầu gội bồ kết trên thị trường, dầu gội đầu bồ kết VietKet được làm từ 100% thảo dược thiên nhiên.

Chú thích ảnh
Sản phẩm Vietket của Vũ Thị Thu đã có chỗ đứng vững trên thị trường nhờ phong trào khởi nghiệp.

Sau khi thành công với bồ kết, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và thấy được tiềm năng của thảo dược thiên nhiên, chị Thu mở rộng khai thác các loại cây thảo dược khác như hương nhu, trầu không, hương thảo... để sản xuất các sản phẩm: Bột tắm thảo dược, nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết,… Năm 2019, cùng với sự năng động của bản thân và được sự quan tâm của tổ chức Đoàn Thanh niên, chị được vay nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp với số tiền 1,5 tỷ đồng để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đảm bảo nguồn đầu vào cho sản phẩm.

Đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã tạo ra 19 sản phẩm thảo dược có nguồn gốc tự nhiên, trong đó có 3 sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất khoảng 5.000 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu 350 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, anh Nguyễn Bảo Đại, nhấn mạnh: Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là chương trình lớn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tại tỉnh Bắc Ninh, phong trào này được triển khai từ năm 2017 và là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước. Đáng chú ý, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đề án hỗ trợ Thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025, tạo cơ sở, tiền đề để phong trào thanh niên phát triển kinh tế sâu rộng.

Theo đó, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng được nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Ninh, với tổng kinh phí 90 tỷ đồng, mức lãi suất 5%/năm.

Tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 182 dự án thanh niên khởi nghiệp được hỗ trợ vay vốn, tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay của thanh niên là minh chứng cho tinh thần xung kích đi đầu phát triển kinh tế của tuổi trẻ trong tỉnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, thanh niên.

Chú thích ảnh
Sản phẩm Vietket của Vũ Thị Thu đã có chỗ đứng vững trên thị trường nhờ phong trào khởi nghiệp.

Phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp tại tỉnh được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên, qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp; phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh hướng tới xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, để phong trào triển khai hiệu quả, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh thành lập và duy trì các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn dân cư. Các câu lạc bộ này đã góp phần ươm mầm, hỗ trợ và đầu tư cho các ý tưởng và hoạt động khởi nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh năng động, sáng tạo.

Đồng thời, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi và làm cầu nối cho những thanh niên, doanh nhân trẻ có khát vọng khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính để được hỗ trợ về nguồn lực và những điều kiện tốt.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên áp dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi, nắm bắt nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để định hướng tư vấn nghề nghiệp phù hợp; hỗ trợ những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp có tiềm năng được vay vốn,…

Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, từng bước thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hướng tới xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp./.

Thanh Thương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN