Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, đề cập về vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực, phụ trách HĐND tỉnh Thái Bình Đàm Văn Vượng cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất là vấn đề tương đối phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình, quy định chặt chẽ, đảm bảo công bằng, minh bạch và công khai.
Thực tế, thời gian qua, căn cứ vào quy định của pháp luật và quy định của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thành phố đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức các cuộc đấu giá thành công theo quy định của pháp luật, tạo nên nguồn lực to lớn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số cuộc đấu giá còn sai sót về nghiệp vụ, quy trình, thậm chí có cuộc đấu giá phải hủy kết quả tiến hành đấu giá lại.
Phó Chủ tịch thường trực, phụ trách HĐND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy trình đấu giá để chủ động làm tốt hơn vai trò tham mưu. Ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào thực trạng đất trên địa bàn, rà soát lại, tham mưu cho UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các việc trong quá trình đấu giá đất. Các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tăng cường giám sát hơn nữa đối với công tác đấu giá đất.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, để thực hiện tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh sẽ từng bước triển khai thực hiện đấu giá qua mạng, tạo thị trường công khai, minh bạch, thông tin đấu giá được bảo mật. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ qua mạng, đấu giá qua mạng đã được tiến hành nhưng chưa triệt để.
Bên cạnh đó, công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện nghiêm các quy trình theo luật định. Các cơ quan trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu quy hoạch quỹ đất và thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá công khai, minh bạch. Các cơ quan sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét đối với các quỹ đất từ 300 m2 đến dưới 3 ha để quy hoạch các khu dân cư đấu giá, tạo thị trường đất ở, nhà ở phong phú cho người dân.
Việc xây dựng và phê duyệt giá đất phải đảm bảo sát với thị trường, sau khi xây dựng xong giá phải tổ chức đấu giá ngay để phù hợp với điều kiện giá đất tại thời điểm. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các quyền trong kinh doanh bất động sản bởi thực tế vẫn còn tình trạng đất chưa được cấp giấy chứng nhận đã rao bán, chưa có quyền đã chuyển nhượng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Xuân Khánh cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt là giám sát các quy trình thực hiện đấu giá; tăng cường tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản, bất động sản, nhà ở, đất ở, thực hiện công khai quy hoạch quỹ đất, các giá đất trên các hệ thống thông tin.
Thực tế, một số chủ đầu tư tạo ra sự khan hiếm nhưng thực chất thị trường đất ở, nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Bình rất phong phú. Cụ thể như đối với huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy, theo quy hoạch Khu Kinh tế Thái Bình, tỉnh có trên 3.000 ha đất đô thị và nhà ở. Ngoài ra, các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu đang tiến hành xây dựng. Đặc biệt trên các tuyến đường giao thông, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, để có điều kiện nguồn lực xây dựng đường giao thông, tỉnh quy hoạch các khu dân cư, các khu đô thị dọc các tuyến đường giao thông.