Tập trung gỡ khó cho công tác giảm nghèo

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có 248 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,40%), trong đó có 157 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm tỉ lệ 2,16%); số hộ cận nghèo là 522 hộ (chiếm tỷ lệ 0,84%), trong đó có 243 hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỉ lệ 3,35%).

Chú thích ảnh
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng.

Ông Nguyễn Hữu Sung- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đánh giá, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã góp phần cho TP thực hiện có hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh, vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 346 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,56% còn 248 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,40%. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đến nay còn gặp khó khăn cần được tháo gỡ.

Cụ thể, theo ông Sung, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn gặp khó trong việc thực hiện giải ngân, vì các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình còn chưa cụ thể, khó khăn trong việc triển khai áp dụng. Các dự án, chính sách chưa phát huy được hiệu quả, một số dự án không đạt yêu cầu như mục đích đề ra. Một số rà soát viên (Thôn trưởng các thôn, làng, tổ dân phố) chưa có kinh nghiệm, lần đầu tham gia rà soát, biểu mẫu nhiều, phức tạp, do vậy khó khăn trong việc triển khai lấy thông tin và chấm điểm các biểu mẫu trong quá trình điều tra rà soát hộ nghèo hàng năm.

Ông Sung cho rằng: Xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, vì thế cần phải khơi dậy ý chí tự vươn lên của chính bản thân người nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2021- 2023, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã huy động được trên 9,3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Pleiku. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 8,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 850 triệu đồng.
Từ nguồn kinh phí này, TP. Pleiku đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án giảm nghèo. Qua đó, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Quang Thái
Pleiku: 94 học viên tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền
Pleiku: 94 học viên tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền

Sáng 8/11, Phòng Văn hóa- Thông tin TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị tập huấn Giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1 - Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN