Theo kết luận, UBND tỉnh cho phép các quán ăn sáng, quán cafe được phép hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch như giãn cách tối thiểu 1m giữa các bàn, phải bố trí vách ngăn và phục vụ tối đa không quá 20 khách/lần phục vụ; các chủ quán, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang trong quá trình phục vụ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạm thời cho phép hoạt động trở lại bình thường đối với tiệm cắt tóc, gội đầu nhưng phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải hoạt động trở lại tuyến cố định liên tỉnh Sơn La đi Hà Nội và ngược lại bắt đầu từ 12 giờ ngày 8/6 nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; hoạt động 50% số chuyến, mỗi xe không được chở quá 50% số ghế theo thiết kế và không được vượt quá 20 người/xe; xe khách giường nằm phải đảm bảo chở đúng số người cho phép và không vượt quá 30 người/xe (kể cả lái và phụ xe).
Sở Y tế kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy trình tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2 tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gộp tại các khu, cụm công nghiệp, nhà máy có tập trung đông công nhân trên địa bàn các huyện Mưòng La, Mai Sơn, Phù Yên.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc không tụ tập đông người, không tổ chức xem bóng đá đông người đối với các trận thi đấu của đội tuyển Việt Nam và các trận thi đấu khác.
Đặc biệt, quán triệt việc không được tiếp xúc giữa những người đang được cách ly trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, những người đang trong các khu vực phong tỏa, bệnh nhân và người chăm sóc trong các cơ sở khám, chữa bệnh,... để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cách ly, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực trong vùng phong tỏa và tại cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thực hiện khai báo y tế bắt buộc; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Tỉnh Sơn La đang giám sát, theo dõi, cách ly 2.461 trường hợp. Tính đến ngày 7/6, Sơn La có 6.295 trường hợp được tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2.
Lâm Đồng: Chỉ cách ly tập trung người về từ địa bàn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg
Bắt đầu từ 14 giờ ngày 8/6, tỉnh Lâm Đồng sẽ áp dụng một số biện pháp phòng dịch COVID-19 mới nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đây là nội dung văn bản hoả tốc số 3827/UBND-VX3 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng ký cùng ngày.
Theo đó, từ chiều 8/6, tỉnh Lâm Đồng chỉ cách ly tập trung đối với những người về từ các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các địa điểm dịch tễ có ca mắc COVID-19. Những trường hợp đến tỉnh Lâm Đồng từ các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện cách ly tại nhà.
Đối với hoạt động ô tô vận chuyển hành khách cũng được hoạt động trở lại nhưng phải chấp hành một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, đối với vận tải hành khách từ tỉnh Lâm Đồng đến các địa phương khác yêu cầu phải chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương vận chuyển hành khách đến. Đối với vận tải hành khách từ địa phương khác về tỉnh Lâm Đồng thì hành khách phải thực hiện Thông điệp 5K và phải chấp hành việc cách ly theo quy định từng nơi. Riêng lái xe phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như lái xe vận chuyển hàng hóa.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Giao thông vận tải trao đổi, thống nhất với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố có liên quan để thống nhất hướng dẫn các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, sản xuất kinh doanh; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực theo quy định.
Trước đó, ngày 31/5 UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu tạm ngưng vận chuyển hành khách từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lâm Đồng (kể cả xe hợp đồng trá hình hoặc xe hợp đồng ở các tỉnh khác, xe taxi mà có hành khách đi từ vùng có dịch). Tỉnh Lâm Đồng cũng áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả các trường hợp đi về từ vùng dịch, vùng thực hiện theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.