Sinh kế mới ở 'Lung trời'

Với sự cần cù hăng say lao động, khoảng 5 năm nay, người dân canh tác trong các khu vực nhận giao khoán đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (có nghĩa là "vùng đất trũng ngập nước của ông Trời") nằm tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã mang “sinh kế mới” về vùng đất này.

Chú thích ảnh
Theo người dân, trung bình, mỗi vụ sen thu về khoảng 50 triệu đồng/1.000m2. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Đến Lung 18, thuộc địa phận ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vào cuối năm, nông dân tất bật thu hoạch gương sen đợt cuối để chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025. Theo người dân địa phương, đây là vùng đất trũng, chân đất sâu, khó canh tác nông nghiệp trong mùa mưa, lũ. Chính vì vậy, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, một số hộ để trống ruộng chờ đến vụ Đông Xuân mới khởi động vụ mùa.

Ông Lâm Văn Tấn, ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp kể lại, khoảng 10 năm về trước, khu vực Lung 18 này vào mùa nước nổi là những cánh đồng bông súng trắng nối nhau trải dài mênh mông. Sinh kế của người dân chủ yếu từ việc giăng câu, thả lưới bắt cá, hái bông súng đồng, hẹ nước… mang ra chợ bán kiếm tiền trang trải mỗi ngày, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản vật tự nhiên.

“Thấy mùa nước nổi bỏ đồng trống thì uổng phí nên tôi tìm cách đưa cây sen về trồng thử. Vụ đầu tiên, do chưa biết cách chăm sóc nên năng suất không đạt, sen chết nhiều. Nhưng từ vụ thứ 2 ruộng sen đạt năng suất, cho thu nhập khá. Trung bình, mỗi công (0,1 ha) đất trồng sen, nông dân thu về khoảng 50 triệu đồng. Những hộ có bờ đất cao bao quanh còn tận dụng thả nuôi thêm cá trên ruộng để bán kiếm thêm thu nhập”, ông Tấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết do đặc trưng nơi này là vùng đất trũng thấp nên vào mùa mưa, lũ, nước ngập nhiều hơn những nơi khác. Hàng năm chỉ có vụ lúa Đông Xuân cho năng suất khá, vụ lúa Hè Thu năng suất lúa chỉ đạt khoảng 400 – 500 kg lúa/công. Thấy vụ lúa Hè Thu năng suất không đạt, 2 năm nay ông Hùng cũng chuyển sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ sen. May mắn là khi cây sen bén duyên với vùng đất này, nó sinh trưởng rất tốt. Thu nhập từ việc trồng sen lấy gương bán đã đem về cho nông dân thu nhập khá.

Ông Hùng chia sẻ: “Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, cuối tháng 2, tôi cho nước vào ruộng và cấy sen giống xuống rồi phun thuốc, bón phân cho cây sinh trưởng tốt. Khoảng 3 tháng sau, tôi thu hoạch gương sen lụa bán đợt đầu tiên. Nhờ chăm sóc tốt nên vụ sen này gương to, hạt đầy. Đây cũng là thời điểm thương lái thu mua nhiều để cung ứng phục vụ thi trường Tết Nguyên đán nên thu hoạch bao nhiêu là thương lái vào thu gom hết".

Theo bà con nơi đây, thời gian qua, giá sen được thương lái thu mua cao nhất khoảng 55.000 đồng/kg, thấp nhất khoảng 6.000 đồng/kg; hiện nay sen được thu mua từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Trung bình khoảng 3 - 4 ngày, bà con sẽ thu hoạch một lần để bán cho thương lái. Việc thu hoạch thường xuyên giúp giúp bà con đảm bảo chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Hiện nay, ở những khu vực nhận khoán đất sản xuất thuộc Lung Ngọc Hoàng, nông dân chuyển đổi dần diện tích canh tác lúa, mía sang trồng khóm; gieo trồng xen kẽ 1 vụ lúa, 1 vụ sen. Nhiều hộ dân trồng khóm còn tận dụng diện tích mặt nước trong mương để nuôi cá kết hợp trồng bông súng để tăng tối đa thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Chú thích ảnh
Mô hình sen là một hướng đi mới trong mùa nước nổi. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết, nói về những hộ dân sinh sống ở Lung Ngọc Hoàng phải kể từ thời còn là nông trường Phương Ninh. Năm 1976, Nông trường Phương Ninh được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên của vùng đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, khi đó đã có người dân sinh sống nơi này, chủ yếu làm nghề nông.

Đến năm 1984, thành lập Lâm trường Phương Ninh từ Nông trường Phương Ninh. Giai đoạn này, do cuộc sống người dân khó khăn nên được lâm trường giao khoán đất khai thác vừa để tạo sinh kế ổn định cuộc sống cho người dân, vừa đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng trên phạm vi đất của Lâm trường Phương Ninh với tổng diện tích trên 2.800 ha.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết, hiện nay có 947 hộ dân sinh sống ở khu vực ven lung với tổng diện tích sản xuất khoảng 700 ha. Về sinh kế của những hộ dân nhận khoán đất canh tác đất nông nghiệp trước kia, khu bảo tồn vẫn tạo cơ chế thông thoáng cho bà con phát triển kinh tế, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Ngày nay, cuộc sống bà con đã có nhiều thay đổi, đời sống khá hơn, nhất là khi điều kiện hạ tầng thiết yếu được đầu tư, giao thông đường bộ phát triển. Nếu trước đây đa số bà con trồng lúa, mía thì ngày nay diện tích mía đã không còn. Người dân chuyển đổi dần sang trồng khóm, trồng sen, bông súng, kết hợp nuôi thủy sản để tăng thu nhập. Qua rà soát, tổng diện tích trồng khóm có khoảng 100 ha, trồng sen khoảng 50 ha, nuôi cá ruộng trên 200 ha, còn lại là diện tích các loại cây lâm nghiệp, cây ăn trái…

Khi đời sống khá giả hơn, người dân đã tham gia vào công tác gìn giữ và bảo vệ rừng. Trong Lung Ngọc Hoàng hiện có 19 tổ tự quản với sự tham gia tích cực của người dân chung tay ngăn chặn kịp thời các đối tượng vào rừng trái phép để đánh bắt thủy sản, động vật hoang dã, đóng góp vào thành tích hơn 20 năm qua, không để xảy ra cháy rừng.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho ngư dân ven biển
Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho ngư dân ven biển

Sáng 13/12, tại Hà Nội, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch “Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN