Mục tiêu của những "lá phổi xanh" - các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên thông qua việc thực hiện ba chức năng chính: Bảo tồn, phát triển và hỗ trợ.
Trên thế giới đã có 748 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thuộc 134 quốc gia, trong đó Việt Nam đóng góp vào mạng lưới này 11 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ; Đồng Nai; Đất ngập nước ven biển liên tỉnh Châu thổ sông Hồng; Quần đảo Cát Bà; Ven biển và biển đảo Kiên Giang; Miền Tây Nghệ An; Cù Lao Chàm - Hội An; Mũi Cà Mau; Langbiang; Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng. Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã phát triển cùng với xu hướng chung của thế giới: Mỗi Khu Dự trữ là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế.
Vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới kết nối giữa vùng lõi gồm các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực phát triển kinh tế - xã hội, mang đến những cơ hội phát triển bền vững dựa vào thiên nhiên, đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế địa phương. Việc thúc đẩy sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương tại vùng đệm của các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới sẽ giảm áp lực trực tiếp lên rừng và tài nguyên thiên nhiên, tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Dự án “Lồng ghép mục tiêu quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam” (Dự án BR), do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện đã áp dụng Cơ chế tài trợ nhỏ hỗ trợ cộng đồng 14 xã thuộc 3 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai triển khai các mô hình sinh kế bền vững trong sản xuất nông lâm kết hợp, chăn nuôi gia súc, du lịch sinh thái cộng đồng...
Triển khai từ năm 2020, Dự án đã góp phần quản lý hiệu quả hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng và biển; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 3.100 hộ gia đình, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 14.700 cá nhân thông qua hoạt động tăng cường năng lực, tập huấn thực hành bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững. Các Quỹ quay vòng của dự án được thành lập đã cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ cho các thành viên cộng đồng theo cơ chế luân phiên.
Tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Miền Tây Nghệ An, Dự án BR triển khai ba dự án nhỏ là “Mở rộng sinh kế bền vững thông qua phát triển cây Mét tại Tam Quang và Tam Hợp, huyện Tương Dương”, “Hỗ trợ cộng đồng vùng đệm phát triển dược liệu dưới tán rừng tại Tương Dương” và “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng, cây Lùng và Mét, cây Bon bo”.
Dự án “Mở rộng sinh kế bền vững thông qua phát triển cây Mét tại Tam Quang và Tam Hợp, huyện Tương Dương” tập trung vào việc giảm áp lực lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng bằng cách thúc đẩy việc trồng cây Mét thành một mô hình sinh kế bền vững của 333 hộ gia đình, hỗ trợ quản lý trên 500,87 ha rừng Mét hiện có, bổ sung 86,92 ha trên đất thoái hóa.
Thông qua việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng, dự án “Hỗ trợ cộng đồng vùng đệm phát triển dược liệu dưới tán rừng tại Tương Dương” xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, phát triển các vườn ươm và triển khai 18 ha trồng dược liệu. Dự án đã tăng 20% thu nhập cho 500 hộ gia đình, tạo ra các quỹ sinh kế xoay vòng và thành lập diễn đàn cộng đồng chia sẻ kiến thức, phát triển thị trường.
Dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng, cây Lùng và Mét, cây Bon bo” giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. Mô hình này thúc đẩy việc trồng và thu hoạch có trách nhiệm các loại cây bản địa, nâng cao năng lực kỹ thuật và thành lập các quỹ xoay vòng cho các hoạt động do cộng đồng dẫn dắt. 663 hộ gia đình tham gia dự án đã canh tác bền vững 135 ha Chè hoa vàng, 92 ha Bon Bo…
Dự án BR đã phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp với du lịch sinh thái tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An bằng hoạt động nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, cộng đồng về bảo tồn; hỗ trợ sản xuất truyền thống tại địa phương và tăng cường bảo vệ môi trường. Dự án cải thiện sinh kế cho 320 hộ gia đình, tập huấn cho người dân các phương pháp canh tác hữu cơ, tổ chức các hội thảo về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển các nghề thủ công truyền thống như đan lát mây tre đan…
“Nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm cây có múi và xoài để cải thiện thu nhập và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại huyện Vĩnh Cửu” và “Phát triển sinh kế bền vững thông qua trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò, dê tại xã Gia Canh, huyện Định Quán” là hai dự án nhỏ được triển khai tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Trong đó, tại huyện Vĩnh Cửu, dự án hỗ trợ 500 hộ gia đình các xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý kỹ thuật canh tác bền vững để tăng thu nhập và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, Dự án tổ chức lễ hội trái cây địa phương để quảng bá sản phẩm, kết nối nông dân với thị trường. Tại xã Gia Canh, huyện Định Quán, dự án hỗ trợ 259 hộ gia đình tạo ra thu nhập bền vững từ trồng cỏ và chăn nuôi gia súc, phân phối giống bò, dê…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam đánh giá, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân, là ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú; các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là một trong các yếu tố quan trọng giúp cân bằng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.