Sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là phép cộng - Bài 2: Tâm tư cán bộ và nỗi lo lãng phí tài sản

Nghệ An là một trong những tỉnh sắp xếp được số lượng đơn vị hành chính nhiều nhất cả nước, giảm được 20 xã trong giai đoạn 1 và dự kiến giảm 49 xã trong giai đoạn 2.

Từ đó, địa phương sẽ giảm nhiều công chức, cán bộ. Điều này khiến nhiều cán bộ, công chức tâm tư; đồng thời cũng đặt ra cho tỉnh “gánh nặng” về giải quyết bài toán dôi dư và lãng phí tài sản công.

Chú thích ảnh
Năm 2020, thị trấn Nam Đàn được sáp nhập thêm toàn bộ xã Vân Diên và một phần xã Nam Thượng để nâng quy mô diện tích và dân số. 

Nhiều tâm tư

Việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư ở cấp xã đang “lớp trước chồng lớp sau”. Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh chưa giải quyết hết vấn đề này. Đến nay, địa phương đang tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 với dự kiến dôi dư gần 2.000 cán bộ, công chức trên địa bàn. Nhiều cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Thời gian tới đây, xã Thanh Đồng, Thanh Lĩnh sẽ sáp nhập với thị trấn Thanh Chương thành tên gọi thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương). Trước đó, bộ máy hành chính cũ có 58 cán bộ, công chức; sau khi sáp nhập, bộ máy đơn vị hành chính mới sẽ còn lại 20 người. Như vậy, địa phương sẽ dôi dư 38 người. Nếu tính theo độ tuổi, ông Trần Tử Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh Đồng vẫn còn 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, việc ai ở lại, ai ra đi và tiêu chí nào để căn cứ xét, sắp xếp không chỉ là băn khoăn, lo lắng của ông Hải mà là nỗi niềm chung của những cán bộ, công chức bị ảnh hưởng.

“Tư tưởng của anh em cán bộ cũng có những dao động nhất định. Sau sắp xếp không biết mình sẽ đi đâu về đâu, có làm nữa hay không. Là cán bộ tuyên truyền, tôi vẫn động viên cho anh em cần xác định rõ dù làm gì, ở đâu cũng phải sẵn sàng. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc sắp xếp lại cán bộ là các tổ chức hội, đoàn thể”, ông Trần Tử Hải trăn trở.

Theo phân tích của người đứng đầu UBND xã Thanh Đồng, đối với đội ngũ công chức chuyên môn, hay các chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch UBND, việc điều động đi xã khác hay lên huyện không đáng lo ngại. Bởi vì, việc này nằm trong đề án điều động, luân chuyển cán bộ. Bận tâm nhất là chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, trưởng các đoàn thể hiện chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển. Do đó sẽ gặp những khó khăn. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính đang làm cho không ít cán bộ trẻ được đào tạo, học hành, có bằng cấp phải đối diện với thực trạng phải nghỉ việc.

Thực tế ở các địa phương cho thấy, đội ngũ thuộc diện dôi dư đều có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, nghiệp vụ bảo đảm tiêu chuẩn vị trí việc làm, tuổi còn trẻ, có năng lực, nhiều năm liền công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Tuy nhiên hiện nay, khung vị trí việc làm tại các đơn vị hành chính cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ. Vì vậy, việc sắp xếp đội ngũ dôi dư gặp khó khăn.

Qua giai đoạn 1, Nghệ An đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước; từ đó, tạo ra sự đồng thuận, lan tỏa trong cộng đồng. Trước đó, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh chủ trương không chỉ dừng tuyển dụng ở những xã phải sáp nhập, địa phương phải sáp nhập mà dừng tuyển mới trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh gần như không tuyển mới, chỉ trừ vị trí đặc thù như Chỉ huy trưởng Quân sự.

“Khó khăn nhất trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính vẫn là giải quyết cán bộ dôi dư. Xác định được mục tiêu đó, Sở Nội vụ Nghệ An đề xuất phương án điều chuyển như chuyển công chức từ xã thừa sang xã thiếu, thậm chí điều chuyển từ huyện này sang huyện khác” - ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.

Cần bố trí trụ sở làm việc hợp lý

Chú thích ảnh
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng đơn vị phải sắp xếp nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Sau sắp xếp, toàn huyện còn 24 đơn vị hành chính cấp xã. 

Cùng với vấn đề giải quyết, sắp xếp cán bộ dôi dư, nhiều địa phương còn có nỗi lo về sắp xếp tài sản công. Theo thống kê, Nghệ An vẫn còn 17 huyện có 600 tài sản công chưa xử lý xong sau 5 năm sáp nhập.

Đơn cử, tại huyện Nam Đàn, khó khăn lớn nhất sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 1 là dôi dư các trụ sở nhà văn hóa khối, xóm với 102 nhà, 5 trạm y tế. Giai đoạn 2023 - 2025, theo kế hoạch của UBND tỉnh, huyện sẽ sáp nhập 4 đơn vị thành 2. Cụ thể: xã Nam Nghĩa sẽ sáp nhập với xã Nam Thái, xã Hồng Long sẽ sáp nhập với xã Xuân Long. Dự kiến, sau sáp nhập, địa phương sẽ thừa 2 trụ sở UBND xã, 2 trạm y tế.

Một khó khăn nữa trong giải quyết tài sản công hiện nay là việc bán đấu giá trụ sở, trạm y tế. Các đơn vị tham gia đấu giá hầu như không có. “Vì vậy, huyện đề nghị, tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể để các huyện sớm có lộ trình tổ chức cho đấu giá tài sản, lấy nguồn đó tiếp tục xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cho các xóm mới, xã mới sáp nhập”, ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nêu rõ.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương sẽ có 454 cơ sở tiếp tục sử dụng và đấu giá công khai 31 cơ sở để tránh thất thoát và lãng phí tài sản của Nhà nước. “Trong các phương án xử lý tài sản công sau sáp nhập, phương án bán đấu giá, thu hồi gặp vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, nhất là thiếu hồ sơ trong bán đấu giá. Các nhà thầu rất khó tham gia đấu giá vì liên quan đến tài sản trên đất. Việc phê duyệt giá khởi điểm bắt buộc phải tính đến giá của tài sản trên đất. Trong khi đó, nhà đầu tư khi đấu giá chủ yếu để mua đất”, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã tính toán phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản xã mới hình thành sau sắp xếp. Trước mắt, Nghệ An không đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới; thực hiện rà soát cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xem xét, quyết định sử dụng công sở đảm bảo hợp lý, tạo thuận lợi cho giao dịch hành chính của nhân dân; nghiên cứu, bố trí, lựa chọn trụ sở của các cơ quan dư thừa để làm Trung tâm dịch vụ hành chính công tại đơn vị hành chính sau sắp xếp; bố trí thành trụ sở làm việc, chỗ ở cho lực lượng Công an chính quy về làm việc tại xã và trụ sở cho Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã làm việc.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường và một số công trình phúc lợi khác; chú trọng các đơn vị hành chính xã sáp nhập vào thị trấn, phường để phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Thực tế tại huyện Thanh Chương, sau khi tiến hành sáp nhập xã Xuân Tường và xã Thanh Dương có tên gọi mới là xã Xuân Dương, địa phương đã bố trí trụ sở làm việc hợp lý. Trụ sở UBND xã Xuân Tường (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Xuân Dương (đơn vị mới); trụ sở UBND xã Thanh Dương (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban Công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã. Trụ sở các trường học vẫn ổn định địa điểm như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường. Trạm y tế xã Thanh Dương (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Xuân Dương (đơn vị mới); trạm y tế xã Xuân Tường (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Phương án của xã Xuân Dương (đơn vị mới) cũng là phương án chung cho nhiều xã khác thuộc diện sắp xếp giai đoạn này trên địa bàn huyện. Để quá trình sắp xếp diễn ra thuận lợi, đúng mục tiêu, không lãng phí tài sản công, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, chính quyền đã rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở. Đồng thời, địa phương cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Bài cuối: Cần sự quyết tâm và đồng thuận

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là phép cộng - Bài 1: 'Tinh' cán bộ, gọn bộ máy
Sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là phép cộng - Bài 1: 'Tinh' cán bộ, gọn bộ máy

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Nghệ An tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2 với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN