Chính quyền linh hoạt, doanh nghiệp thích ứng
Mặc dù là năm đầy khó khăn và biến động, nhưng năm 2022, Hải Phòng liên tục đón nhận những dự án lớn, tầm vóc khu vực, góp phần đẩy mạnh tiềm lực kinh tế của thành phố. Trong những ngày cuối năm, trên công trường cầu cảng số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện do đại diện Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư và cầu cảng số 5 và số 6 do Tập đoàn Hateco làm nhà đầu tư vẫn hừng hực khí thế thi công, chạy đua tiến độ. Khi các công trình trọng điểm này được đưa vào hoạt động sẽ giúp thành phố Cảng tăng sức cạnh tranh, giúp việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực thuận lợi.
Theo ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, đến tháng 10/2022, được sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng và sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cảng Hải Phòng được giao mốc giới trên mặt biển kịp thời để triển khai đồng bộ các mũi thi công. Hiện trên công trường, công ty luôn duy trì 3 ca 4 kíp thi công bởi 5 tổ đóng cọc để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến quý II/2024 sẽ đưa cầu cảng vào khai thác.
Từ bờ biển vào tới các nhà máy, các khu, cụm công nghiệp, khí thế đổi mới đẩy mạnh sản xuất cũng tràn ngập. Các doanh nghiệp cũng không ngừng nỗ lực để có những đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trên công trường xây dựng khu phi thuế quan cảng biển và khu công nghiệp Nam Đình Vũ với diện tích khoảng 400 ha của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, hàng trăm thiết bị máy móc vẫn ngày đêm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế thành phố.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay thì bất cứ một biến động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ có tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Để thích ứng thì mỗi một doanh nghiệp phải có nhóm giải pháp riêng cho mình. Tuy nhiên, về tổng thể các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị điều hành; cơ cấu lại các ngành nghề để giảm thiểu rủi ro; thực hiện nhiều giải pháp sản xuất kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ; tăng cường nguồn nhân lực vì nhân lực là chìa khóa của mỗi doanh nghiệp.
Để tạo môi trường tốt, “xây tổ” cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, đặc biệt là thích nghi với những biến động như trong năm qua, một trong những mũi nhọn để Hải Phòng điều hành linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thích ứng với những biến động đó là cải cách hành chính. Với nhiều nỗ lực, Hải Phòng đã giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính.
Năm 2022, GRDP của Hải Phòng đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Năm 2022 cũng ghi dấu ấn là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, vượt lên những khó khăn, Hải Phòng đã duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Đây là tiền đề quan trọng cho thành phố phấn đấu trong giai đoạn tới. Nếu duy trì ở mức tăng trưởng hơn 12% đến hết năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng GRDP trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sẵn sàng "vượt bão"
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, năm 2023, để duy trì tăng trưởng thành phố sẽ tập trung vào hai giải pháp; trong đó, giải pháp đầu tiên là tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp bởi công nghiệp đóng vai trò động lực, chủ lực trong tăng trưởng kinh tế thành phố (năm 2022 chiếm gần 49% GRDP thành phố).
Để thực hiện được điều đó, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Trong năm 2023, Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp Tiên Thanh, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Nam Đình Vũ khu 1, Nam Đình Vũ khu 2, VSIP, cầu Kiền... Hoàn thành các thủ tục thành lập 4 Khu công nghiệp mới: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2 cũng như triển khai các thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Vinh Quang, An Hòa và Tân Trào.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường vành đai 2 và 3, các cầu, đường kết nối với tỉnh Quảng Ninh (cầu Lại Xuân), Thái Bình (cầu Nghìn 2)… nhằm mở rộng không gian kinh tế của thành phố. Cùng đó, Hải Phòng tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Giải pháp trọng tâm cuối cùng là tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực thương mại - dịch vụ, nhất là trong lĩnh vực cảng biển, logistics, du lịch bởi năm 2022, thương mại và dịch vụ đóng góp khoảng 37% GRDP thành phố. Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6, thu hút đầu tư xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; chỉ đạo giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng như các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế tại Đồ Sơn và Cát Bà...
Với những nỗ lực của mình, hy vọng năm 2023, Hải Phòng tiếp tục đạt được những kết quả như mong đợi trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của thành phố nơi cửa biển và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.