Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2022 của tỉnh gần 700.000 ha, đạt 99,34% kế hoạch, với cơ cấu mùa vụ là lúa vụ Mùa, Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông.
Tỉnh đã xây dựng 693 cánh đồng lớn, tổng diện tích 109.332 ha; trong đó, hơn 500 cánh đồng với 74.439 ha, sản lượng khoảng 497.250 tấn gắn liên kết tiêu thụ nông sản, số cánh đồng còn lại do thương lái thu mua lúa hàng hóa của nông dân.
Đặc biệt, tỉnh sản xuất hàng nghìn ha lúa đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận lúa hữu cơ, tiêu chuẩn SRP xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh sản xuất lúa năm 2022 gặp nhiều khó khăn, bất lợi như giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu ở mức cao và kéo dài nhưng giá lúa không tăng tương ứng, giảm so với những vụ mùa trước dẫn đến lợi nhuận của nông dân thấp.
Tiếp đến, ở một số thời điểm, thời tiết không thuận lợi, diễn biến phức tạp ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, nhất là mưa trái mùa làm giảm năng suất lúa thu hoạch vụ Đông Xuân 2021 – 2022.
Ngành nông nghiệp nỗ lực trong chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa và cùng với quyết tâm, đồng thuận của nông dân trên đồng ruộng nên tỉnh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm lương thực 2022.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tăng dần số lượng sử dụng giống lúa chất lượng cao.
Trung tâm khuyến nông tỉnh tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác lúa tiên tiến cho nông dân như: "3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm", mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bằng máy sạ theo bụi, máy cấy và canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận.
Mặt khác, ngành chức năng tỉnh thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, thường xuyên theo dõi, thông tin về tình hình xâm nhập mặn để nông dân chủ động phòng tránh và kiểm tra nguồn nước trước khi bơm tưới cho lúa.
Ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành đóng, mở các cống thủy lợi tuyến đê biển Rạch Giá – Kiên Lương, An Biên – An Minh, tuyến đê bao Ô Môn – Xà No (Giồng Riềng, Gò Quao) và các cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, hai huyện Châu Thành, U Minh Thượng để điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, ngành chức năng tỉnh phối hợp vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi Cống Cái Lớn – Cái Bé đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, giảm khoảng 260 đập tạm ngăn mặn phải đắp trong mùa khô, tiết kiệm cho ngân sách hơn 20 tỷ đồng đầu tư đắp những đập tạm này để ngăn mặn hàng năm.