Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng/giảm trái chiều

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động tăng/giảm trái chiều ở một vài địa phương.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Thu Đông ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn ở mức 5.800 đồng/kg; Jasmine cũng giảm ở mức tương tự còn 6.900 đồng/kg. Riêng OM 4218 là 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng cũng có sự tăng/giảm trái chiều ở một số loại như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Tuy nhiên, lúa ST 24 lại giảm 200 đồng/kg, còn 8.000 đồng/kg; riêng OM 4900 vẫn ổn định ở mức 6.700 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa ST là 7.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; còn IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg.

Giá lúa ở Tiền Giang hầu như ổn định như: Jasmine là 7.200 đồng/kg; OC ở mức 6.000 đồng/kg. Nhưng lúa IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, lúa OM 18 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.300 đồng/kg, còn RVT vẫn giữ ở mức 8.400 đồng/kg so với tuần trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang như: Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg, OM 18 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 6.200 - 6.300 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 6.300 - 6.400 đồng/kg.

Thời gian qua, Công ty TNHH Angimex-Kitoku triển khai trồng và bao tiêu lúa Nhật tại An Giang. Lãnh đạo công ty này cho biết, năm 2023 công ty sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật có kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu qua thị trường châu Âu.

Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2022, nông dân trồng lúa DS1 rất phấn khởi, vui mừng khi vào thời điểm thu hoạch được Công ty TNHH Angimex-Kitoku hỗ trợ thêm 200 đồng/kg lúa thực nhập. Hiện tại, công ty đang quy hoạch được vùng nguyên liệu trồng lúa Nhật ổn định ở 2 phường Mỹ Hòa và Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và 2 xã Mỹ Phước - Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Năm 2023, Công ty TNHH Angimex- Kitoku sẽ triển khai trồng lúa Nhật trên diện tích 2.450 ha tại An Giang và Kiên Giang.

Nhờ những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường EU. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận. 

Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 425 - 430 USD/tấn so với tuần trước đó. Một thương lái tại TP Hồ Chí Minh cho biết, người nông dân đang có lãi với mức giá bán hiện tại và điều này sẽ khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào vụ Đông Xuân sắp tới, vụ lớn nhất trong năm.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy trong thời gian từ ngày 1 - 28/10, khoảng 387.050 tấn gạo đã được xuất cảng TP Hồ Chí Minh; trong đó phần lớn xuất đến Philippines, châu Phi, Cuba và Bangladesh.

Trong khi giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ổn định thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã tăng trong tuần qua do đồng rupee tăng và lo ngại về nguồn cung, trong khi đó Bangladesh tiếp tục hứng chịu một trận lốc xoáy phá hủy mùa màng tại thời điểm nước này đang phải vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 375 - 384 USD/tấn, tăng so với mức từ 374 - 382 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam của Ấn Độ, cho biết sản lượng vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó vì mưa nhiều làm hư hại lúa ở các bang phía bắc và đông bắc.

Lượng mưa lớn đã làm hỏng cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh đang phải vật lộn với hậu quả của cơn bão Sitrang đổ bộ ngày 24/10. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp, cơn bão đã phá hủy 6.000 ha lúa và có khả năng là một đòn giáng mạnh vào đất nước, vốn đang cố gắng hạ giá trong nước sau khi trận lũ lụt hồi đầu năm đã phá hủy 254.000 tấn lúa.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng không đổi ở mức 405 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu không đổi và không có giao dịch lớn nào trên thị trường.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 28/10, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch trái chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm, còn đậu tương tăng.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 1,5 xu Mỹ (0,22%) xuống 6,8075 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 giảm 9,25 xu Mỹ (1,1%) xuống 8,2925 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 6,75 xu Mỹ (0,48%) lên 14,0025 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Đậu tương nghiền mang lại lợi nhuận đáng kể, do đó điều quan trọng cần quan tâm tiếp theo đó là độ ẩm đất ở Nam Mỹ vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022. Thị trường không thể bứt phá cho đến khi tình hình thời tiết ở Nam Mỹ trong tháng 12 thuận lợi, trong khi các mặt hàng khác gặp khó khăn do thương mại toàn cầu chậm chạp.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lo ngại Mỹ có thể mất thêm thị phần vào tay Nam Mỹ trong niên vụ 2023 - 2024. AgResource cũng không chắc chắn về hoạt động giao thương ở Biển Đen.

Khu vực Paraguay, Parana và Sao Paulo ở miền nam Brazil cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa phùn vào cuối tuần. Còn các khu vực Mato Grosso do Sul và Mato Grosso được dự báo sẽ có mưa rào vào đầu tuần tới. Ở miền nam Brazil sẽ có mưa vào ngày 1/11. Còn các khu vực trồng trọt ở Nam Mỹ sẽ chứng kiến kiểu thời tiết khô hạn, ít mưa từ  ngày 1 - 10/11.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp nối xu hướng giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 29 USD xuống 1.849 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 giảm 27 USD xuống 1.837 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 9,05 xu Mỹ xuống 169,80 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 9,32 xu Mỹ xuống 167,75 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 500 - 600 đồng, xuống dao động trong khung  40.700 - 41.200 đồng/kg.

Giá cà phê nối tiếp đà giảm của phiên trước đó do lo ngại lãi suất tiền tệ sẽ được các ngân hàng trung ương lớn nâng lên thêm sau báo cáo GDP quý III của Mỹ tăng, dấu hiệu lạm phát giảm, sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ mạnh tay hơn tại kỳ họp sắp tới, với khả năng nâng lãi suất cơ bản thêm tới 1%, rất cao so với suy đoán trước đó.

Động thái này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế thế giới vì lãi suất ở mức quá cao sẽ khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu cơ rời khỏi các thị trường hàng hóa nói chung để chuyển sang chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn.

Trong khi thông tin Trung Quốc phong tỏa một phần Vũ Hán cũng dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.

Bích Hồng - Minh Hằng (TTXVN)
Thị trường tiền tệ thế giới vẫn đối mặt nhiều rủi ro biến động
Thị trường tiền tệ thế giới vẫn đối mặt nhiều rủi ro biến động

Cặp tiền tệ Euro/USD đã tăng trong tuần thứ hai liên tiếp, kết thúc ở mức 1 euro đổi 0,9950 USD sau khi giảm từ mức cao nhất trong một tháng là 1 euro đổi 1,0094 USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN