Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành 'mục tiêu kép'

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang giữ vững được địa bàn an toàn và từng bước thực hiện thành công “mục tiêu kép – vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, chủ đề năm 2021: “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”.

Chú thích ảnh
Tuyến mương hiện tại và hạng mục cầu của dự án nối đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả với trung tâm thành phố Cẩm Phả nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc khá dài, đồng thời có nhiều cảng biển tàu thuyền hoạt động tấp nập, có sân bay quốc tế Vân Đồn, tiếp giáp với các tỉnh đang có dịch như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xâm nhập dịch bệnh. Với phương châm “chống dịch như chống giặc” phát huy tinh thần “kỷ luật-đồng tâm”, tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ vững địa bàn, là vùng xanh an toàn. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, kể từ ngày 26/8 đến 27/8, tỉnh Quảng Ninh đã qua 2 tháng không phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai giám sát phát hiện các trường hợp liên quan đến các địa phương, các ổ dịch khác trong cả nước. Với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong mọi cấp độ, mọi tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Thượng úy Vũ Quốc Toàn, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Tại chốt cầu Đá Bạc hàng ngày lưu lượng người và phương tiện qua lại rất lớn, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đơn vị đã phối hợp cùng với lực lượng chức năng tại chốt trạm kiểm tra, tầm soát 24/24. Qua đó phát hiện nhiều trường hợp vi phạm phòng chống dịch, xử lý và đưa đi cách ly kịp thời tránh mầm bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh.

Anh Đoàn Văn Mạnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tôi là người chở hàng hóa thường xuyên phải di chuyển, khi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh tôi phải chấp hành nghiêm việc khai báo y tế, có xét nghiệm RT-PCR âm tính, tiêm vaccine. Anh Mạnh cho biết thêm, mỗi người có ý thức tốt thì công tác chống dịch mới thành công và không làm mất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chức năng.

Để giữ vững vùng “xanh” an toàn trong thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Ninh xác định việc siết chặt quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh, ngăn chặn triệt để mọi nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn có ý nghĩa quyết định. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường trách nhiệm cao nhất trong việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa của các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng, bến thủy nội địa, trên biên giới; gắn với kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý cư trú, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thuộc quyền quản lý.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: Xác định khoanh vùng, truy vết có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống dịch, tỉnh Quảng Ninh chủ động, liên tục giám sát, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch; đảm bảo; không để bị bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động ở cộng đồng, trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế, tập trung vào các khu vực, địa bàn và đối tượng có nguy cơ cao đảm bảo khoa học, có hiệu quả theo chỉ định của ngành y tế, không gây lãng phí nguồn lực thực hiện. Ngành y tế tiếp tục siết chặt quy trình kiềm soát dịch bệnh trong cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đảm bảo không bị rủi ro về mầm bệnh.

Cùng với đó, Quảng Ninh thực hiện tốt quản lý tình hình dân cư, rà soát, nắm chắc nhân khẩu của mỗi gia đình, mỗi tổ dân, khu phố, thôn, xóm, làng, bản, đảm bảo không để bị động, không để tình huống có ca nhiễm, ca nghi nhiễm, người về từ vùng có dịch mà không được khai báo y tế, không đi cách ly.

Xác định tầm quan trọng của vaccine, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan chủ động, tích cực triển khai tiêm phòng COVID-19 cho lực lượng được ưu tiên, cán bộ, công nhân, người dân ở khu vực có nguy cơ cao ngay khi nhận được vaccine từ Bộ Y tế. Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tiêm 9 đợt với hơn 282 nghìn mũi, trong đó hơn 64.000 người được tiêm mũi 1, hơn 109.000 người được tiêm mũi 2.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Minh Tuân, nhân viên khách sạn Hải Yến ( TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) được nhận 3 tháng lương do đơn vị chi trả từ gói cho vay trả lương ngừng việc. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Công ty TNHH Phúc Xuyên, tỉnh Quảng Ninh có hơn 300 phương tiện vận tải khách nội, ngoại tỉnh, các xe hợp đồng chở khách du lịch, xe chở hàng… với khoảng hơn 500 cán bộ, lái xe, thợ sửa chữa thời điểm chưa có dịch COVID-19. Tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 100 xe bus nội tỉnh đang hoạt động theo yêu cầu “5K”, số lượng lao động giảm một nửa. Trong đó số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ có trên 180 người. Công ty đã phải nỗ lực để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên, Quảng Ninh chia sẻ: Do tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, công ty vừa duy trì hoạt động vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, cũng như đảm bảo tiền lương cho cán bộ công nhân viên làm việc, còn lại chúng tôi cũng hỗ trợ nhân viên tạm nghỉ việc.

Đồng thời với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Đến hết tháng 6/2021, tổng kế hoạch vốn chi đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 18.700 tỷ đồng, chiếm 57% tổng chi ngân sách địa phương; tỷ lệ giải ngân đạt 45%, cao hơn 7,2% so với cùng kỳ năm 2020, cơ bản đáp ứng yêu cầu chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Cửa Lục 1 chia sẻ: Cán bộ, công nhân đơn vị thi công cầu ngày đêm nỗ lực để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời luôn đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chúng tôi cũng luôn động viên cán bộ, công nhân làm việc, đảm bảo tiền lương cho họ. Hiện nay, tiến độ tại công trường đạt 80%, đảm bảo tiến độ đề ra như đã cam kết với chủ đầu tư.

Anh Nguyễn Duy Phong, Giám đốc Ban điều hành dự án hầm bao biển, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả cho biết : Chúng tôi vừa đảm bảo thi công đúng tiến độ, chất lượng vừa phòng chống dịch hiệu quả, cán bộ công nhân viên đi làm về đều ở lại trong lán, không được đi ra ngoài. Buổi sáng khi đi làm công nhân đều được đo thân nhiệt và đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ. Để đảm bảo tiến độ, đơn vị tổ chức thi công 3 ca liên tục, hiện tại khối lượng thi công đạt 60-70%, dự kiến dự án hoàn thành vào cuối năm 2021.

Một trong những tín hiệu vui trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực mới dẫn dắt tăng trưởng đã đạt được kết quả hết sức tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,7%), tăng 38,95% so với cùng kỳ, vượt 17,6% so kịch bản, đóng góp 3,74 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ninh ước tăng 8,02%, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng Sông Hồng, cao hơn 3,76 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 6 tháng đạt 22.868 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, bằng 92% so với cùng kỳ, bằng 96% kịch bản thu 6 tháng (kịch bản thu 23.914 tỷ đồng).
Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh phấn đấu thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 31.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác. Đồng thời, tiếp tục siết chặt quản lý các khoản thuế, phí từ hoạt động kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hoàn thành thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, thực hiện nguyên tắc “có thu thì mới có chi” và phải bảo đảm ưu tiên cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội và bố trí dự phòng ngân sách để bù đắp hụt thu.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, diễn ra ngày 27/8, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Dù dịch bệnh phức tạp đến đâu cũng phải kiên trì giữ vững sức sản xuất, phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Tập trung rà soát cụ thể, chủ động tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nhất là ngành Than, ngành điện, xi măng, xây dựng, dệt may, điện tử, dầu, bột mỳ... Trong đó, động viên ngành Than phấn đấu đạt sản lượng trên 47 triệu tấn, ngành điện sản xuất khoảng 38,5 triệu KW/h.

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, bằng bản lĩnh của con người Vùng mỏ anh hùng cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững được địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Đức Hiếu (TTXVN)
Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông
Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông

Hơn 286 tỷ đồng là kinh phí từ ngân sách mà tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; tiền học phí trong năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn. Chính sách trên được thông qua vào ngày 27/8, tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN