Nhân dịp này phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về vai trò, ý nghĩa của quy hoạch, những định hướng, giải pháp thực hiện nhằm hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển của địa phương.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kỳ vọng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam. Quy hoạch này cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về tăng trưởng xanh và bền vững. Xin ông cho biết ý nghĩa và vai trò của quy hoạch này?
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch vô cùng quan trọng, định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian đến. Quy hoạch này được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, chúng tôi luôn luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến tiếp thu từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế và của người dân. Chính vì vậy về mặt tiến độ, so với các địa phương khác trong cả nước thì Quảng Nam có chậm. Tuy nhiên về chất lượng được đánh giá cao.
Trong quy hoạch lần này đã bao hàm tất cả các nội dung vô cùng quan trọng thể hiện trong Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Quy hoạch đã lĩnh hội tất cả những kết luận của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo khi về làm việc với Quảng Nam. Chính vì thế, quy hoạch lần này mang tính tổng hợp, bao quát tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương. Đặc biệt là nó đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho Quảng Nam phát triển. Những cơ hội này hoàn toàn dựa trên cơ sở đánh giá khoa học và có tính khá thi rất cao. Chính vì thế, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72, chúng tôi đang nỗ lực triển khai quyết định một cách cụ thể hóa để đảm bảo quy hoạch phát huy được tính hiệu quả trên thực tế.
Trong Quy hoạch này, tỉnh lựa chọn những giải pháp trọng tâm, khâu đột phá nào, nhất là việc liên kết, kết nối với các địa bàn lân cận, khu vực và cả nước ?
Quy hoạch này có 2 giai đoạn đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó các nội dung quan trọng tập trung trong giai đoạn đến năm 2030 trên từng ngành, từng lĩnh vực. Giai đoạn sau năm 2030 đến 2050 chúng ta hết sức cân nhắc, cẩn trọng, bởi vì thế giới bây giờ đang chuyển biến quá nhanh, quá phức tạp và nhiều yếu tố mang tính khó lường. Chính vì thế giai đoạn từ nay đến năm 2030, chúng ta tập trung triển khai cụ thể quy hoạch và xem xét, đánh giá bối cảnh tình hình sau năm 2030 đến 2050 để cân nhắc, bổ sung vào quy hoạch cho phù hợp.
Trong các định hướng về đột phá phát triển của tỉnh, có hai vấn đề lớn cần phải lưu ý. Đó là tiền nền tảng của những cái chúng tôi đang có và những dư địa mới mà chúng tôi khai phá được từ quy hoạch này. Về nền tảng chúng tôi đã có, thứ nhất đó là du lịch. Quảng Nam du lịch Hội An, du lịch di sản, du lịch biển đảo và tiềm năng du lịch ở phía Tây trong đất liền mới manh nha. Trên nền tảng đó, Quảng Nam sẽ sắp xếp, tổ chức lại và khai thác sao cho có chất lượng hơn, mang tính lan tỏa cao hơn và bền vững hơn. Trong đồ án quy hoạch đã khẳng định Quảng Nam sẽ xây dựng để trở thành trung tâm du lịch trọng điểm cấp quốc gia và mang tầm quốc tế.
Nền tảng thứ hai đó là công nghiệp. Chúng tôi đã có khu công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải. Từ công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải hiện nay đang tổ chức sản xuất mở rộng ra ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ. Với sức phát triển của Tập đoàn ô tô Trường Hải, sự phát triển trong hơn 20 năm qua của ngành công nghiệp cơ khí tại Quảng Nam, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng hệ sinh thái này để làm sao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và và cả nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cơ khí và công nghiệp phụ trợ để xây dựng Quảng Nam trở thành một Trung tâm công nghiệp cơ khí trọng điểm cấp quốc gia như trong đồ ăn quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về các dư địa phát triển mới, chúng ta tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp khác, trong đó những ngành công nghiệp có lợi thế về tiềm năng về nguyên liệu, về khả năng khai thác để đưa vào sản xuất có giá trị gia tăng cao. Đó là ngành công nghiệp chế biến silica. Vùng cát trắng trên địa bản tính Quảng Nam và khu vực miền Trung rất lớn, nhưng chưa được khai thác chế biến sâu một cách hiệu quả. Vì vậy chúng ta phải làm sao để khai thác có hiệu quả hơn, theo hướng chế biến sâu hơn, đem lại giá trị gia tăng trong sản xuất cao hơn để hình thành một trung tâm công nghiệp chế biến silica chất lượng cao ở tại Quảng Nam.
Thứ hai là vùng tiềm năng về dược liệu thiên nhiên quý hiếm ở khu vực Trung Trường sơn, có lợi thế về phát triển kinh tế rừng gắn với trồng các loại dược liệu quý ở dưới tán lá rừng. Chính phủ đã xác định Quảng Nam xây dựng để hình thành một Trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành dược liệu từ thiên nhiên, tạo ra một ngành công nghiệp mới của Việt Nam, đó là công nghiệp chế biến sâu các dược liệu từ thiên nhiên.
Thứ ba đó là ngành công nghiệp điện khí. Hiện nay, dự án điện khí của Quảng Nam đang được Chính phủ khẩn trương đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khi hình thành Trung tâm điện khí ở khu vực miền Trung của Việt Nam đặt tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, thì vai trò, tác dụng, kể cả đóng góp ngân sách và an ninh năng lượng của án này sẽ trở nên vô cùng quan trọng, giúp cho Quảng Nam có thêm cơ hội mới để phát triển.
Vấn để thứ tư, đó là dư địa về phát triển giáo dục, đào tạo nghề. Quảng Nam đã được Chính phủ xác định trong quy hoạch là một trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ASEAN 4 và xây dựng khu đô thị Đại học ở phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu về quy hoạch các trường đào tạo nghề, làm sao có cơ chế để thu hút được các trường đại học danh tiếng trên thế giới vào mở cơ sở đào tạo theo hướng đào tạo nghề thực hành, chất lượng cao.
Trong đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam, hợp tác sản xuất mang tính liên kết, liên vùng được đặc biệt chú trọng. Quảng Nam là trung tâm du lịch. Các địa phương lân cận như như Huế, Đà Nẵng là những địa phương có sức hấp dẫn lớn về du lịch. Chính vì thế, liên kết phát triển du lịch giữa Quảng Nam và các địa phương trong vùng trong thời gian qua đã được hình thành và phát tiện khá ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết để xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh, có tính liên vùng nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho các thị trường khách quốc tế, cho các dòng khách khác nhau khi đến với khu vực miền Trung nói chung và đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế nói riêng.
Tiếp nữa là liên kết trong sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp cơ khí. Với tầm vóc và nhu cầu mở rộng của Tập đoàn ô tô Trường Hải, nhu cầu liên kết mở rộng sản xuất với các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung và khu vực Miền Trung nói riêng, trong đó có Quảng Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Thực tế là thời gian qua, ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí của Tập đoàn Trường Hải đã phát triển với tốc độ nhanh, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ. Chính vì thế nhu cầu liên kết ngành trong kế lĩnh vực phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ có tính khả thi rất cao vì chúng ta có được con chim đầu đàn trong lĩnh vực này đó là Tập đoàn Trường Hải.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được lập với tinh thần đổi mới tư duy kiến tạo, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng của tỉnh theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển". Xin ông chia sẻ về những định hướng lớn này?
Quy hoạch này được lập trong thời gian dài, vừa có đóng góp ý kiến của nhiều tổ chức cá nhân có ý tín nhưng cũng vừa lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, vì thế đồ án cuối cùng chúng tôi trình Chính phủ theo hướng là "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển".
Hai vùng ở đây được hiểu là vùng phía Đông và vùng phí Tây. Vùng phía Đông là vùng ở khu vực đồng bằng ven biển, có lợi thế về phát triển các ngành kinh tế, du lịch, giáo dục- đào tạo và các dịch vụ khác như cảng biển, sân bay. Đây là vùng động lực phát triển của tỉnh Quảng Nam đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, được cụ thể hơn trong đại hội lần thứ XXII và được phát triển lên mức cao hơn trong quy hoạch tỉnh lần này.
Vùng thứ hai đó là vùng phía Tây với lợi thế là rừng, tài nguyên khoáng sản, thủy điện, dược liệu, các sản phẩm hữu cơ ở khu vực miền núi, đặc biệt là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Tất cả những giá trị đó đều được đưa vào quy hoạch để vừa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào.
Hai cụm động lực đó là cụm phía Bắc, bao gồm thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và huyện Đại Lộc. Khu vực này gắn kết trực tiếp với không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng, có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển du lịch và các hệ sinh thái khác. Thuận lợi nhất của quá trình mở rộng không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng là phát triển về phía Nam. Chính vì thế sự phối kết hợp giữa các vùng động lực của Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng trở nên tất yếu bởi đây vừa là vùng động lực của Quảng Nam nhưng cũng là vùng hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Cụm phía Nam gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh có vai trò là trung tâm chính trị, hành chính và kinh tế của tỉnh, tập trung phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, phát triển công nghiệp, du lịch biển đảo, dịch vụ cảng biển, sân bay, đào tạo nguồn nhân lực
Ba hành lang phát triển gồm hành lang ven biển từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển, tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ít phát thải ra môi trường, phát triển du lịch, dịch vụ cảng biển, công nghiệp - dịch vụ hàng không, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ thống các đô thị
Hành lang theo Quốc lộ 14B, 14E, 14D nối Đà Nẵng với vùng đồng bằng, ven biển Quảng Nam lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang là trục liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Lào với hệ thống cảng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, phá vỡ sự hạn chế của dải đồng bằng hẹp ở miền Trung; phát triển các khu công nghiệp dọc theo các trục này, đồng thời kết nối các hoạt động du lịch xuyên Á, du lịch biển với vùng cao nguyên.
Hành lang dọc đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, phát triển công nghiệp thuỷ điện, khoáng sản, kinh tế rừng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông