Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc và hỗ trợ người dân vùng biên, nhất là người dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, lực lượng Biên phòng tỉnh đã phân công cán bộ, chiến sỹ tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần thắt chặt hơn nữa tình quân dân trên tuyến biên giới.
Phân công cán bộ, chiến sỹ đến các xã biên giới
Thôn Dục Nhầy 1 (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) là nơi sinh sống của 135 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Gié-Triêng. Nơi đây, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh luôn được người dân yêu mến mỗi khi nhắc đến. Anh A Luật (thôn Dục Nhầy 1) chia sẻ, những chiến sỹ của Đồn Biên phòng Dục Nông luôn quan tâm đến các gia đình trong làng, đặc biệt là những hộ khó khăn.
Họ thường xuyên hỗ trợ, nhận nuôi những cháu nhỏ cơ nhỡ; tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Do vậy, người dân trong làng hầu hết đều quý mến và gần gũi với các chiến sỹ Biên phòng.
Đồn Biên phòng Dục Nông đã phân công Thiếu tá Dương Văn Lương đến sinh hoạt tại Chi bộ thôn Dục Nhầy 1. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của người lính, Thiếu tá Dương Văn Lương đã đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp, tích cực tham mưu cho Chi bộ đề ra các nghị quyết tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng và nâng cao đời sống của người dân. Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chi bộ thôn Dục Nhầy 1 phát triển được 2 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên Chi bộ lên 19 đồng chí. Số hộ nghèo giảm còn 6 hộ.
Chị Xiêng Thị Túy (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dục Nhầy 1) cho biết, Thiếu tá Dương Văn Lương là người năng nổ, luôn tích cực tham gia những hoạt động của thôn, Chi bộ. Đồng chí còn đóng góp ý kiến để Chi bộ xây dựng và đưa ra nghị quyết phù hợp, thu hút nhiều đảng viên. Thiếu tá Lương còn nhiệt tình giúp đỡ người dân trong thôn cùng nhau phát triển; tuyên truyền để người dân hiểu, chuyên tâm làm ăn, không làm những điều vi phạm pháp luật.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum đã điều động sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các Đồn Biên phòng tăng cường cho 13 xã trên tuyến biên giới giáp nước bạn Lào và Campuchia. Trong đó có 4 cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy của 4 huyện; 13 cán bộ tham gia cấp ủy 13 xã biên giới; 17 cán bộ được bầu vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã…
Trung tá A Ngọc Chiến (Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei) cho biết, khi được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum điều động, tăng cường đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xã biên giới Đăk Nhoong, anh thường xuyên cùng cấp ủy xã củng cố, xây dựng Đảng bộ vững mạnh; đồng thời, trăn trở với việc giúp người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Với đặc điểm là xã biên giới, khu vực rừng phòng hộ, chúng tôi xác định việc định hướng cho người dân trồng dược liệu để có thêm thu nhập là ưu tiên hàng đầu, nhất là trồng sâm Ngọc Linh và nấm Linh Chi. Ngoài ra, tôi còn tham mưu cho Đảng ủy đề ra nghị quyết chỉ đạo, huy động các tổ chức chính trị - xã hội đồng lòng trực tiếp tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là việc thực hiện xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, Trung tá A Ngọc Chiến cho biết thêm.
Hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo
Bên cạnh việc đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới Kon Tum, những người lính mang quân hàm xanh thường xuyên đồng hành cùng chính quyền 13 xã biên giới trong việc triển khai các chương trình, mô hình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế - xã hội như: Nuôi bò, heo sinh sản, trồng sâm dây, lúa nước hai vụ, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cùng đó, đơn vị hỗ trợ hơn 12.000 ngày công lao động, sửa chữa hơn 138 km đường nông thôn. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân hàng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người dân vùng biên giới như: Trao tặng các mô hình sinh kế, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng quà cho gia đình khó khăn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí...
Được sự định hướng, hỗ trợ của Hội Phụ nữ và các chiến sỹ Biên phòng, vợ chồng anh A Tuấn (thôn Dục Nhầy 3, xã Đăk Dục) đã đầu tư nuôi một cặp heo đen. Đây là giống heo dễ nuôi, ít bệnh và sử dụng nguồn thức ăn từ những sản phẩm trong vườn nhà. Nhận thấy heo sinh trưởng rất tốt nên gia đình anh A Tuấn quyết định đầu tư thêm 2 con heo nái để sinh sản. Giờ đây, tổng đàn heo đen của gia đình anh là trên 30 con. Với giá bán 100.000/kg, gia đình anh đã có thêm một khoản thu nhập cao, hướng đến việc mở rộng chuồng trại và tái đầu tư.
Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể địa phương thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của năm 2024. Trong đó, trọng tâm là các nội dung ký kết, kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng với Ủy ban nhân dân các xã; phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động để thắt chặt hơn nữa tình quân dân nơi biên giới; góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hướng đến xây dựng các xã biên giới vững mạnh.
Nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của lực lượng Biên phòng, 7/13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên tuyến biên giới.