Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, Phú Yên cần tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cho các đội xung kích, bởi đây là lực lượng sát với cơ sở và ứng phó với thiên tai nhanh nhất. Đồng thời, bổ sung thêm trang thiết bị phòng chống thiên tai sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, nhất là khi mưa lũ, biến đổi thời tiết ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy lợi đang triển khai, đặc biệt đối với các hồ thủy lợi thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); rà soát lại các công trình thủy lợi cần đầu tư để chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đầu tư trung hạn.
Về phòng chống dịch bệnh, Phú Yên đã giữ nguyên hệ thống thú y theo Điều 6 Luật Thú y, tổ chức và đang vận hành rất tốt, do vậy ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, đến nay Phú Yên đã tái đàn lợn đáp ứng được theo yêu cầu. Hoạt động chăn nuôi của Phú Yên trong thời gian tới cần phải đưa vào quy hoạch của tỉnh, tăng cường giám sát và thực hiện quy hoạch, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm 2020, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, thủy lợi. Vừa qua, cơn bão số 9 và cơn bão số 12 đã làm 1 người chết, 7 người bị thương, 421 nhà ở bị sập và hư hỏng; hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão số 12 gây ra khoảng 555 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả của bão lũ, Phú Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các lực lượng chức năng phối hợp cùng chính quyền các địa phương hỗ trợ khắc phục sửa chữa, hỗ trợ xây mới lại các nhà của người dân bị đổ, hư hại sau bão, đến nay việc khắc phục về thiệt hại nhà ở trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất.
Tỉnh Phú Yên chỉ đạo chính quyền các địa phương huy động các nguồn lực khẩn trương khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ.
Thời gian tới, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nguồn kinh phí 320 tỷ đồng khắc phục sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi; 1.300 tỷ đồng khắc phục các công trình phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, Phú Yên cũng như các tỉnh miền Trung thường xuyên chịu tác động của thiên tai, mùa Đông thì xảy ra lũ lụt, ngập úng, mùa Hè thì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Do vậy, phát triển thủy lợi, tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng là phương án tỉnh sẽ lựa chọn trong thời gian tới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng cao mức thu phí dịch vụ môi trường rừng, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư trồng rừng, cung cấp nguồn cây giống có chất lượng, đặc biệt cây trồng rừng gỗ lớn để giúp tỉnh từng bước nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần hỗ trợ tỉnh trong quy hoạch phát triển nuôi biển, cải hoán tàu cá, nâng cao hiệu quả tiềm năng lợi thế, phát triển hiệu quả kinh tế biển trong thời gian đến.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát tình trạng sạt lở, khắc phục kè bảo vệ sân bay thành phố Tuy Hòa.