Với những lợi thế, tiềm năng của làng hoa trăm tuổi, ngành Du lịch nơi đây đã và đang được khai thác, phát huy tối đa theo hướng chiều sâu, bền vững, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong mục tiêu phát triển.
Thành phố Sa Đéc hiện có gần 650 ha trồng hoa cảnh, với hơn 2.100 hộ chuyên sản xuất ngành nghề này. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân thành phố, từ năm 2016 đến cuối tháng 11/2020, các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đã thu hút hơn 2,4 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế gần 123.000 người.
Để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, trong giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch đã góp phần tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực tham gia đầu tư phát triển du lịch; thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển du lịch được chú trọng, trong đó ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu của thành phố như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung, làng hoa Sa Đéc, làng Bột...
Tính đến cuối năm 2019, toàn thành phố có 22 khách sạn, 35 nhà nghỉ, 44 nhà trọ, 2 cơ sở homestay, trong đó có 10 khách sạn đã được xếp loại hạng từ đủ tiêu chuẩn, hạng 1 đến 3 sao với sức chứa khoảng 875 khách du lịch/ngày. Đặc biệt, 8 điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận, khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả.
Là nơi tập trung sản xuất hoa cảnh của thành phố Sa Đéc, “vùng lõi ” của thành phố hoa, phường Tân Quy Đông hiện có hơn 1.350 hộ trồng hoa cảnh với tổng diện tích hơn 300 ha. Không chỉ tập trung vào sản xuất, người dân nơi đây đã từng bước phát huy tính năng động sáng tạo, tham gia xây dựng một số mô hình sản xuất hoa cảnh kết hợp với tham quan du lịch, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đặc biệt, họ đã biết kết nối lại, cùng hỗ trợ nhau phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Anh Trần Thanh Hùng, chủ Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Chủ nhiệm Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” cho biết, từ những người chỉ biết trồng, bán hoa, nay nông dân Sa Đéc đã mạnh dạn đầu tư vào loại hình du lịch cộng đồng với mục tiêu chính là cải thiện và tăng thêm thu nhập cho gia đình mình và cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu tập quán canh tác trồng hoa, sinh hoạt, trải nghiệm văn hóa với người dân địa phương. Tuy nhiên, đã đến lúc, không thể bó hẹp trong tư duy “mạnh ai nấy làm”, “có chi bán nấy – nghĩ sao làm vậy” mà người dân cần phải liên kết, hỗ trợ, chia sẻ thông tin kinh nghiệm, thị trường để cùng nhau phát triển bền vững.
Được thành lập từ tháng 3/2019, đến nay, Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” có 22 thành viên, trong đó có 12 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, homestay, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ xe điện, bán hàng đặc sản, OCOP Đồng Tháp và các điểm tham quan du lịch… Đây là tổ chức xã hội dân lập tập hợp những người tâm huyết muốn phát triển làng hoa kiểng truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng theo tiêu chí “3 cùng”: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng.
Theo anh Hùng, Hội quán hướng đến xây dựng mối liên kết giữa các thành viên với nhau và bà con cộng đồng xung quanh gắn chặt hơn, đồng thời là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư cùng chí hướng có tiềm năng xây dựng ngôi nhà chung có tính chiều sâu, bền vững. Mỗi thành viên phải gắn và chia sẻ lợi ích dịch vụ của mình với cộng đồng, tạo ra nhiều việc nhiều sản phẩm du lịch đa dạng nhưng không trùng lắp sản phẩm với nhau, từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Bà Phạm Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Quy Đông cho rằng, các điểm du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch cộng đồng đã bổ sung dịch vụ, mở rộng hoạt động khai thác du lịch và mạnh dạn tiến hành xã hội hóa cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch. Các cơ sở homestay, khách sạn đã chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mở rộng quy mô hoạt động đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng dần chất lượng dịch vụ và phục vụ du khách. Đồng thời, công tác đầu tư, nâng cấp nhất là hạ tầng giao thông được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một số công trình trọng điểm hoàn thành đã kết nối giao thông phục vụ phát triển du lịch và góp phần thay đổi diện mạo làng hoa. Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị, trang trí - làm mới nhiều cụm tiểu cảnh cùng hệ thống đèn màu chiếu sáng trên đường và trên cầu Sa Đéc đã tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn của làng hoa lúc về đêm.
Ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho rằng, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch ở địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Theo lãnh đạo thành phố Sa Đéc, hiện tại ngành Du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái Làng hoa Sa Đéc. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa theo kịp tốc độ và xu hướng phát triển chung. Cùng với đó, địa phương chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao. Lực lượng lao động trong ngành Du lịch còn ít, mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp; văn hóa ứng xử và trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhưng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc nghiên cứu, khảo sát để tìm ra các hàng hóa đặc thù của địa phương chưa được chú trọng. Các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư nên du lịch Sa Đéc chưa có sức hút đối với khách tham quan,…
Trong giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030, địa phương sẽ tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm thúc đẩy chuyển mạnh du lịch của thành phố phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu: sản phẩm phong phú, phong cách chuyên nghiệp, tăng thời gian lưu lại, chi tiêu của du khách, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy du lịch thành phố phát triển lên một tầm cao mới. Điều quan trọng là thành phố Sa Đéc sẽ định hướng và hỗ trợ cho các cơ sở phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người dân; đổi mới hoạt động quản lý chuyên ngành, tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp chia sẻ: “Hoa Sa Đéc thắm tình người, tình đất/Người Sa Đéc thắm tình đất, tình hoa”. Thành phố Sa Đéc có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bề dày văn hóa trăm năm và nét đặc sắc trong sản phẩm ngành hàng để phát triển du lịch. Thành phố hoa Sa Đéc nói chung, người làng hoa nói riêng cần đa dạng các giống, chủng loại hoa; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa chú trọng tính an toàn cho du khách. Mặt khác, tỉnh cần phát huy các giá trị văn hóa bản địa, xây dựng đời sống văn minh trong từng con người, ngõ phố, con đường. Đặc biệt là cần liên kết, cùng nhau kết nối những điểm du lịch với nhau để cùng quảng bá hình ảnh thành phố Sa Đéc - thành phố hoa.