Phát triển nông nghiệp bền vững ở 'xứ nóng'

Tây Ninh – mảnh đất được mệnh danh là “xứ nóng” của vùng Đông Nam Bộ đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành chăm sóc lúa mùa. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Tây Ninh - nơi từng chỉ trồng cây cao su, sắn, mía, lúa với điều kiện canh tác phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nay đã vươn lên thành địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất xanh. Trong bức tranh phát triển đó, nguồn nước từ hệ thống thủy lợi, đặc biệt là hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông và hệ thống kênh mương đồng bộ - chính là yếu tố nền tảng, giúp Tây Ninh kiến tạo nên một nền nông nghiệp phát thải thấp, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thay đổi thói quen canh tác

Nếu Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, thì Tây Ninh có thể xem là vựa lúa của vùng Đông Nam Bộ nhờ lợi thế nước tưới dồi dào. Tuy diện tích không lớn như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, song với sự chủ động về thủy lợi, Tây Ninh đã chuyển mình từ tư duy sản xuất truyền thống sang mô hình canh tác thông minh, tiết kiệm nước và phát thải thấp.

Điển hình trong chuyển đổi tư duy là việc áp dụng mô hình “canh tác lúa thông minh ướt – khô xen kẽ”, kết hợp với kỹ thuật “1 phải - 5 giảm”, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh triển khai. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn giảm phát thải khí CH4 – một trong những khí nhà kính chính từ hoạt động canh tác lúa nước.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh Hà Thanh Tùng cho biết, với lợi thế nguồn nước từ các công trình thủy lợi hoàn chỉnh, chúng tôi có thể kiểm soát lượng nước tưới hiệu quả, giảm được phát thải mà vẫn đảm bảo năng suất.

Tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh – đơn vị tiên phong thực hiện mô hình mới, nhiều nông dân đã ghi nhận hiệu quả rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Lành, thành viên HTX cho biết, trước đây chi phí canh tác lúa khoảng 15 triệu đồng/ha, thì nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, lợi nhuận tăng thêm 5 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, lượng nước sử dụng giảm khoảng 40%, nhưng năng suất lại tăng trên 15%.

Theo ông Nguyễn Văn Luôn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Bình, hiện nay hệ thống kênh mương đa số đã được bê tông hóa hoàn toàn, giúp cung cấp nước ổn định, kịp thời. Nhà nước còn hỗ trợ 100% chi phí sử dụng nước, tạo điều kiện thuận lợi để các phương pháp canh tác mới phát huy tối đa hiệu quả. Cách tưới khô xen kẽ rất dễ áp dụng: mỗi vụ rút nước ba lần, mỗi lần ba ngày. Khi mực nước xuống dưới 15 cm, nông dân biết thời điểm cần bơm lại nhờ ống đo mực nước – một công cụ đơn giản nhưng hữu ích.

Từ kết quả thực tiễn này, Tây Ninh đang mở rộng mô hình canh tác lúa thông minh sang các HTX khác, tiến tới đồng bộ hóa mô hình này trên toàn bộ diện tích lúa.

Xây dựng nền nông nghiệp xanh

Chú thích ảnh
Nông dân dùng máy trục đất ruộng chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Ảnh tư liệu: Giang Phương/TTXVN

Năm 2024, Tây Ninh có khoảng 145.000 ha diện tích trồng lúa qua 3 vụ, sản lượng đạt hơn 820.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là sản lượng này không nhờ mở rộng diện tích, mà nhờ áp dụng giống lúa chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên nước.

Dù không nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Trung ương, Tây Ninh vẫn quyết tâm chuyển đổi xanh toàn bộ diện tích trồng lúa theo hướng bền vững. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, kêu gọi doanh nghiệp đồng hành, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị.

Không dừng lại ở cây lúa, thủy lợi còn là bệ phóng cho nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh. Dưới chân núi Bà Đen - nơi từng là thủ phủ mãng cầu, giờ đây xuất hiện những trang trại nhà kính trồng dưa leo, nho hữu cơ, dưa lưới baby Nhật. Những mô hình này không thể tồn tại nếu thiếu nước tưới sạch và ổn định.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, người trẻ đam mê nông nghiệp sạch tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh chia sẻ rằng, giống dưa leo baby Nhật yêu cầu độ ẩm cao và nguồn nước sạch. Nhờ hệ thống kênh TN11 chạy sát trang trại, cộng với công nghệ tưới nhỏ giọt và nhà màng hiện đại, anh có thể kiểm soát độ ẩm lý tưởng, hạn chế sâu bệnh và không cần dùng thuốc hóa học – một mô hình xanh thực thụ.

Tương tự, tại trang trại nho Ba Den Farm, anh Nguyễn Trung Đông đã biến vùng đất cằn cỗi, ven triền núi Bà Đen (thuộc địa bàn ấp Phước Long II, xã Phan, huyện Dương Minh Châu) thành vườn nho hữu cơ đạt chuẩn châu Âu. Anh Đông cho biết, hệ thống thủy lợi mở rộng là lý do anh dám đưa giống nho ngoại nhập về trồng. Từ chỗ từng chỉ canh tác một vụ lúa, giờ đây, vùng đất khô cằn ấy đã trở thành biểu tượng của chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Chú thích ảnh
Nho thân gỗ là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Tầm nhìn và giải pháp cho tương lai

Tây Ninh không chỉ phát triển nông nghiệp đơn lẻ, mà đang xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, hiện đại. Hiện toàn tỉnh có hơn 115.000 ha đất sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chiếm khoảng 31% diện tích canh tác, giúp giảm chi phí, bảo vệ nguồn nước và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tỉnh cũng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ sinh học, sử dụng thiên địch thay hóa chất, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn GAP, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm OCOP… đã tạo động lực lớn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh sẽ phát triển mạnh các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững. Để làm được điều này, tỉnh chú trọng hợp tác công – tư, đào tạo kỹ năng quản lý kinh tế cho nông dân, cung cấp vốn vay ưu đãi và tiếp tục đầu tư mạnh vào hệ thống thủy lợi.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Thông, ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chăm sóc vườn trái cây để đón du khách tham quan. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, đầu tư vào thủy lợi và nông nghiệp công nghệ cao là chiến lược dài hạn giúp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông sản. Tây Ninh đang hướng đến trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu nông sản công nghệ cao của cả khu vực.

Tây Ninh đang chứng minh rõ nét khi nguồn nước được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ không chỉ đơn thuần là yếu tố duy trì sự sống, mà còn là chìa khóa mở ra một nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Từ hạt lúa đến trái nho, từ đồng ruộng truyền thống đến nhà màng công nghệ cao, tất cả đều bắt đầu từ nguồn nước thủy lợi ổn định, sạch và chủ động.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, câu chuyện của Tây Ninh không chỉ là bài học về phát triển nông nghiệp xanh, mà còn là minh chứng cho vai trò chiến lược của thủy lợi trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp toàn diện. Với hướng đi đúng đắn, đồng bộ giữa hạ tầng, kỹ thuật và chính sách, Tây Ninh đang vươn mình trở thành điểm sáng của nông nghiệp thông minh, nơi nguồn nước không chỉ nuôi sống cây trồng, mà còn nuôi dưỡng cả giấc mơ phát triển bền vững.

Thanh Tân (TTXVN)
Đồng Tháp chuyển đổi cây trồng cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa
Đồng Tháp chuyển đổi cây trồng cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, năm 2025, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh Đồng Tháp hơn 1.800 ha. Hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu cho lợi nhuận gấp 2 - 3 lần trồng lúa; trồng cây lâu năm cho lợi nhuận từ 50 đến 200 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN