Xây dựng vùng chuyên canh, trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa

Kiên Giang là một trong những tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền nông nghiệp mạnh của cả nước, nhất là về trồng lúa.

Chú thích ảnh
Mô hình thí điểm “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (Hòn Đất, Kiên Giang) ước đạt hơn 9 tấn/ha. Ảnh tư liệu: Văn Sĩ/TTXVN

Mặc dù trải qua những bước thăng trầm, nhưng cây lúa trên đồng đất Kiên Giang đã giúp cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nâng cao chất lượng cây lúa trên đồng đất

Trong những năm gần đây, sản xuất lúa tiếp tục là ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế nông thôn. Tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa ở mức ổn định và nằm trong Top các địa phương có sản lượng cao nhất cả nước. Diện tích gieo trồng lúa khoảng 710.000 - 725.000 ha/năm, tập trung tại các huyện thuộc tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành), tiểu vùng Tây Sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành) và tiểu vùng U Minh Thượng, với tổng sản lượng lúa hàng năm đạt trên 4,4 triệu tấn.

Năm 2025, kế hoạch trồng lúa của tỉnh tăng diện tích lên 734.180 ha, với mục tiêu sản lượng hơn 4,7 triệu tấn; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích gieo trồng. Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang cho biết: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa và lộ trình thực hiện theo ngành hàng chủ lực của tỉnh; tăng cường quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản.

Thời gian qua, nông dân Kiên Giang chú trọng chọn giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo trồng và tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao ngày càng tăng trên đồng ruộng. Năm 2024, gieo trồng lúa có chất lượng gạo cao đạt 93,46%, riêng vụ lúa Đông xuân 2024 - 2025, đạt 98,45% diện tích gieo trồng.

Các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM5451, RVT, VNR20... được nông dân ưa chuộng, nhân rộng gieo trồng. Phần lớn nông dân trồng lúa trong tỉnh áp dụng quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun phân, thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện môi trường sống…

Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Hợp tác xã Đường Gỗ Lộ, xã  Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chia sẻ: “So với trước đây thì trồng lúa hiện nay gần như cơ giới hóa đồng bộ, không còn “con trâu đi trước cái cày theo sau” trong khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch… đều bằng sức người, rất cực khổ nhưng lợi nhuận thấp. Hiện nay, trồng lúa hiện đại, phương tiện máy móc làm thay người, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào đồng ruộng để tăng năng suất, sản lượng; chọn giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gieo trồng để tăng giá trị, sức cạnh tranh lúa hàng hóa”.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Năm 2024, có 27.087 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025, có hơn 58.610 ha sản xuất liên kết được các công ty tiêu thụ theo hình thức quản lý dư lượng MRL (Maximum Residue Level) xuất sang thị trường EU, Nhật, lúa hữu cơ với giá cao hơn 200 - 400 đồng/kg so với sản xuất lúa bình thường.

Tiếp đến, Kiên Giang đã phát triển hơn 105.000 ha theo mô hình sản xuất lúa - tôm, giúp nông dân vừa nuôi tôm vừa trồng lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện môi trường sinh thái. Sản xuất mô hình này, nhiều nông dân ở huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ, có thể thu hoạch 400 - 500 kg tôm/ha và 5 - 6 tấn lúa/ha, lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm.

Tôm nuôi trong ruộng lúa chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, giúp giảm chi phí thức ăn và hạn chế dịch bệnh; lúa trồng không cần phân bón và thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm sạch. Do sản phẩm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sạch, giá bán ổn định ở mức cao. Sản xuất lúa - tôm giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Kiên Giang tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh triển khai mô hình thí điểm ngay từ đầu năm 2024, từ 2 mô hình thí điểm ban đầu, qua 1 năm thực hiện đến nay đã phát triển và hình thành 10 mô hình, với tổng diện tích 511 ha, các điểm thực hiện áp dụng tốt quy trình canh tác theo phương pháp gieo sạ hiện đại như: sạ hàng, sạ cụm, sạ máy bay (drone) được áp dụng để tiết kiệm giống, phân bón và nước tưới. Tổng diện tích các địa phương thực hiện đề án 1 triệu ha hơn 78.254 ha tại 12 huyện, thành phố sản xuất lúa, đạt 78% kế hoạch năm 2025 là 100.000 ha, mục tiêu đến năm 2030 đạt 200.000 ha.

Thách thức với cây lúa

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với sản lượng lúa ổn định, quy mô lớn. Tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 710.000 - 725.000 ha, sản lượng lúa trên 4,4 triệu tấn/năm, đưa Kiên Giang trở thành một trong những địa phương có sản lượng lúa lớn nhất cả nước; tăng diện tích lúa chất lượng cao hàng năm, ướng đến xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang đẩy mạnh các mô hình sản xuất hiệu quả như lúa - tôm, cánh đồng lớn, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; nhiều mô hình mang lại hiệu quả vượt trội, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch ngày càng phổ biến và nông dân đã tiếp cận, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý dịch hại, sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm nước...

Cạnh đó, tỉnh đã hình thành nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản. Nhờ tăng năng suất, chất lượng và giá bán, đời sống của nông dân trồng lúa từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ sản xuất lúa hiệu quả. Đây là nền tảng để tỉnh tiếp tục định hướng phát triển lúa gạo bền vững, chất lượng, hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, ngành nông tỉnh đối mặt với một số thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường. Tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt… gây khó khăn trong điều tiết mùa vụ, ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang nêu, xâm nhập mặn gia tăng, nhất là xâm nhập mặn ở các vùng ven biển và nội đồng ngày càng sâu rộng, nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực trồng lúa và cây ăn trái.

Việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mặn đang là một thách thức lớn. Canh tác lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro về thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và mất độ màu mỡ đất, cần có các giải pháp bảo vệ và cải tạo đất bền vững, đặc biệt đối với các vùng đất trồng lúa chuyên canh.

Ngoài ra, giá lúa gạo có sự biến động lớn trên thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Mặc dù sản lượng lúa đạt cao, nhưng giá bán không ổn định khiến cho người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập. Dù có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ và bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không được bao tiêu ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa Đông Xuân
Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa Đông Xuân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025, toàn tỉnh xuống giống gần 41.000 ha với sản lượng cả vụ ước trên 285.000 tấn lúa. Đây là vụ chính trong năm nên địa phương tập trung thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giành vụ sản xuất mới thắng lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN