Để đạt được mục tiêu trên, Hậu Giang đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định (FTTH) đến gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập đến các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học... Tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch.
Song song đó, tỉnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G/…); thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G), thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh cho người dân; phát triển hạ tầng kết nối mạng IoT đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan, như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị; ứng dụng IoT vào quản lý, giải quyết các mục tiêu về phát triển, quản lý hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị.
Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, mạng lưới đảm bảo phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng, như: tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông... Đặc biệt tỉnh triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 về hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh, dịch vụ viễn thông công ích.
Hậu Giang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số; khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển, khai thác hạ tầng viễn thông, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, như: cột treo cáp, cống bể cáp..., đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông.
Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh của Hậu Giang xếp thứ 13 toàn quốc và thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có 525 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực với gần 4.000 thành viên. Toàn tỉnh có hơn 445.000 người dân tham gia cài đặt, sử dụng các nền tảng về chuyển đổi số và gần 60 mô hình sáng kiến, giải pháp được triển khai hiệu quả ở ấp, khu vực.