Ninh Bình, Quảng Ninh chủ động ứng phó với bão số 2

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, trưa 1/8 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 có tên quốc tế là Sinlaku.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình nhận định hoàn lưu cơn bão sẽ gây mưa vừa, mưa to đến rất to và dông từ đêm 1/8 đến 3/8; từ gần sáng ngày 2/8 vùng ven biển huyện Kim Sơn gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200 đến 300mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Cụ thể lượng mưa ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp: 150 đến 250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt; các huyện, thành phố còn lại có lượng mưa từ 200 đến 300mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Trước đó, ngày 31/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống khi có bão xảy ra; yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung: Thường xuyên cập nhật thông tin áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến áp thấp nhiệt đới; tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông để hướng dẫn phòng tránh; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kể cả tàu vận tải, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo "phương châm 4 tại chỗ"; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý các trọng điểm xung yếu và có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; tổ chức tính toán hồ chứa và chủ động phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng trũng thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.

Các cơ quan báo chí của địa phương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa lớn, xả lũ và áp thấp nhiệt đới; phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh cho người dân, các cơ quan, đơn vị biết chủ động phòng tránh.

* Trước diễn biến của cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 20/BCH thông báo về việc tạm ngừng cấp phép tàu từ 0 giờ ngày 2/8.

Cụ thể, để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và khách du lịch, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh, trú và kết thúc công việc này trước 21 giờ ngày 1/8) tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển, bắt đầu từ 0 giờ, ngày 2/8.

Đức Phương - Văn Đức (TTXVN)
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 2 - bão Sinlaku
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 2 - bão Sinlaku

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 1/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 2 có tên quốc tế là Sinlaku.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN