Nhiều vườn cây ăn quả bị ngập do triều cường

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 45.000 ha vườn cây ăn quả. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mưa lớn kết hợp với triều cường lên nhanh khiến hàng trăm ha vườn cây ăn quả bị ngập nước. Nhiều nhà vườn rất lo lắng vì nước ngập sâu sẽ làm cho cây ăn quả bị vàng lá, thối rễ, cây suy yếu dần rồi chết nếu không có biện pháp cứu chữa kịp thời và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Vườn xoài của chị Trần Thị Kim Hương ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò bị ngập nước nhiều ngày qua. 

Ghi nhận của phóng viên TTXVN vào ngày 12/10 tại khu vực ven sông Tiền (thuộc thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò), nhiều vườn cây ăn quả (trồng xoài, cóc, mít, nhãn, ổi, sầu riêng…) bị ngập nước từ 5 đến hơn 30 cm. Đa số vườn cây này chưa có đê bao bảo vệ hoặc đê bao thấp, không kiên cố.
 
Theo nhiều nhà vườn, con nước rằm tháng 9 âm lịch năm nay về sớm và cao hơn từ 20 - 30 cm so với cùng kỳ năm 2021 nên bà con “trở tay không kịp”.

Suốt 4 ngày nay, ông Đặng Văn Tấn ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đứng ngồi không yên vì khu vườn trồng trên 200 cây mít Thái của ông bị ngập nước. Ông Tấn cho biết: “Đê bao thấp, còn nước bên ngoài lên cao nên tràn vào vườn. Mít của tôi đang mang trái, đây là loại cây dễ ảnh hưởng khi ngập nước. Tôi rất lo là sắp tới, mít sẽ bị thối rễ, vàng lá. Nếu nó không chết thì cũng bị suy, phát triển kém”.

Gần vườn mít của ông Tấn là khu vườn rộng 3.000m2 trồng xoài của bà Trần Thị Kim Hương cũng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Hàng trăm cây xoài Đài Loan, xoài cát chu của bà Hương đang xử lý ra hoa nhưng ngập sâu trong nước hơn một tuần nay.
 
“Không nghĩ là triều cường rằm tháng 9 âm lịch năm nay lại lên cao như vậy nên tôi không có sự chuẩn bị ứng phó. Vì chưa kịp gia cố, sửa chữa nên đê bao bảo vệ khu vườn của tôi bị vỡ, nước tràn vào vườn. Sau khi nước rút, sức khỏe của cây xoài sẽ giảm, chắc chắn là tôi phải tốn thêm chi phí để chăm sóc nhưng sản lượng quả có thể sẽ giảm” - bà Hương cho hay.

Chú thích ảnh
Vườn xoài của một hộ dân ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh bị ngập nước nhiều ngày qua. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, cùng với rau màu thì một số loại cây ăn quả rất dễ “mẫn cảm” khi ngập nước như cây cóc, cây mít, sầu riêng. Ông Lê Quốc Điền khuyến cáo, nếu cây bị ngập nước lúc đang mang quả, có biểu hiện vàng lá thì bà con nông dân nên nhanh chóng tỉa bỏ quả để cứu cây. Cây bị ngập nước khiến cho rễ bị thiếu ôxy. Vì vậy, bà công nông dân cần hạn chế đi lại trong vườn để tránh làm cho đất nén dẽ, ảnh hưởng tới bộ rễ của cây. Khi nước rút, nhà vườn cần chú ý hiện tượng lừng phèn, nên bón phân lân để ổn định độ pH trong đất. Sau khoảng 1 tháng cho cây phục hồi, nhà vườn cung cấp các loại phân hữu cơ hay vô cơ để cây phát triển.

Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, vào ngày 10/10 (nhằm 15/9 âm lịch), mực nước thực đo tại các trạm trên địa bàn thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lấp Vò vượt báo động cấp III (mức giới hạn mực nước cho biết lũ trên sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng) từ 0,2 - 0,61m. Triều cường đợt này ở tỉnh Đồng Tháp có khả năng đạt đỉnh vào ngày 13/10 rồi xuống dần trong vài ngày tiếp theo.

Bài, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Hậu Giang chủ động phòng ngừa, ứng phó triều cường
Hậu Giang chủ động phòng ngừa, ứng phó triều cường

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, để chủ động ứng phó với mưa lớn, triều cường, cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo triều cường Biển Đông; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN