Đợt ra quân cho thấy còn rất nhiều người chủ quan, xem thường dịch không đeo khẩu trang. Nhiều người đeo khẩu trang không đúng cách.
Đội phản ứng nhanh đã tặng khẩu trang, tuyên truyền, giải thích cho người dân về nguyên tắc phòng dịch COVID-19, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra đường, đeo khẩu trang đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Trong ngày ra quân, lực lượng chức năng đã nhận được phản ứng tích cực từ phía người dân. Một số trường hợp tỏ ra không biết, cố tình không đeo khẩu trang, đội phản ứng nhanh sau khi nhắc nhở đã lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định 9 trường hợp với số tiền 12 triệu đồng.
Trước đó, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng huyện biên giới Lộc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Mức phạt đối với hành vi trên là 1 triệu đồng/người.
Thời gian qua, lực lượng chức năng ở các địa phương trong tỉnh đã ra quân tuyên truyền cho người dân hiểu được những tác hại của dịch COVID-19, tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách tại nơi công cộng... Đến thời điểm này, địa bàn tỉnh Bình Phước chưa phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2.
* Ngày 2/6, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành văn bản về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh quyết định tạm dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 30 người trong một phòng; dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người; tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, gồm karaoke, massage, quán bar, rạp chiếu phim, điểm kinh doanh trò chơi điện tử…
Tỉnh tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Vĩnh Long đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, bao gồm vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch, xe taxi. Ngoài ra, xe vận chuyển hành khách liên tỉnh từ các tỉnh có công bố dịch đi qua tỉnh Vĩnh Long tuyệt đối không được dừng, đỗ để đón, trả khách.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tập trung đông người - Khai báo y tế); tạm hoãn tổ chức hoặc hạn chế số lượng mời dự tiệc cưới, đám giỗ hay các tiệc khác… không tập trung quá 30 người theo quy định.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng. Ngành Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh có chỉ đạo cụ thể để kiểm soát được các trường hợp ở nơi có dịch về địa phương, qua đó đã kịp thời cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp có tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19. Sở chỉ đạo các cơ sở y tế nâng mức phòng, chống dịch lên cao nhất, xây dựng các phương án ngăn chặn, kiểm soát dịch ngay từ đầu, để kịp thời ứng phó.
* Trước tình hình tỉnh lân cận là Long An đã có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Từ 0 giờ ngày 1/6, tỉnh kích hoạt đồng loạt 11 chốt kiểm soát soát phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 4 điểm chốt ở tỉnh và 7 điểm chốt ở huyện để kiểm tra người, phương tiện giao thông đường bộ ra vào các tuyến đường trên địa bàn. Dự kiến thời gian tới, Tiền Giang sẽ tăng thêm 12 điểm chốt, nâng lên tổng số 23 điểm chốt, bao gồm cả chốt kiểm tra đường thủy.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVD-19 tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Yếu tố phòng dịch hiện nay rất quan trọng, do vậy các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện phía Đông của tỉnh không được lơ là, cần siết công tác quản lý các trường hợp F1, F2, và cả F3 một cách chặt chẽ. Lực lượng truy vết ở các địa phương phải kết hợp được công an và y tế để quản lý tốt địa bàn có trường hợp từ vùng có dịch trở về, tránh mất vết nguồn lây. Thị xã Gò Công cần lập danh sách công nhân tỉnh Tiền Giang làm việc tại Long An để quản lý, hướng dẫn khai báo y tế. Các địa phương nhanh chóng khảo sát, trang bị cơ sở vật chất khu cách ly tập trung cấp huyện, tránh bị động khi dịch bùng phát.
Tiền Giang tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ tỉnh đến Đồng Tháp và ngược lại. Xe đưa đón công nhân, nhân viên phải khử khuẩn hàng ngày; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Tỉnh tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy theo tuyến cố định, hợp đồng, bến khách ngang sông, bến hành khách từ Tiền Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang đã có văn bản tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ Tiền Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có trường hợp dương tính với SARS Co-V-2, nhằm ngăn ngừa sự lây lan và chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Để chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch, Tiền Giang yêu cầu tạm dừng kể từ 0 giờ ngày 1/6 với mọi hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung; spa, cơ sở thẩm mỹ, phun xăm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp khác... Các cơ sở kinh doanh ăn uống phải thực hiện khai báo y tế điện tử bằng QR-Code cho tất cả khách hàng theo quy định của ngành Y tế; đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, người cùng bàn; khuyến khích bán hàng mang về, yêu cầu người bán và giao hàng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.