Nghệ An chủ động thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm đạt mục tiêu 'kép'

Tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhằm đạt mục tiêu "kép” (vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội), hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất.

Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để giảm thiểu, bù đắp thiệt hại do tác động của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Bích Huệ/TXTVN

Tại Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII ngày 12/8, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xem việc giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng. Các địa phương, đơn vị phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021.

Tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, hiệu quả nhưng còn thiếu vốn; xem kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí xếp loại thi đua tập thể và người đứng đầu, chủ đầu tư của dự án trong năm 2021.
 
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là những dự án có khả năng đi vào sản xuất trong năm 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh kiểm soát giá cả thị trường, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ hàng hóa; chuẩn bị tốt các điều kiện để phục hồi hoạt động du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
 
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, thu hồi nợ thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021. Các đơn vị thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên; kịp thời xử lý kinh phí phòng, chống dịch bệnh và tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Ngoài phát triển kinh tế, tỉnh Nghệ An còn chú trọng chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai năm học mới 2021-2022; thực hiện tốt chính sách người có công, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch...
 
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Số lượng lao động bị mất việc, tạm ngừng việc tăng lên. Tiến độ triển khai trên hiện trường tại một số dự án như khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp WHA, khu công nghiệp Hoàng Mai I còn chậm so với yêu cầu. Mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của toàn tỉnh đang ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
 
Với quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An cơ bản ổn định, một số ngành, lĩnh vực đạt được kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,58% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Thu ngân sách nhà nước thực hiện 10.042 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán và tăng 37,8% so cùng kỳ. Sản xuất, kinh doanh được duy trì. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,15% so với cùng kỳ. Dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ, công nghệ trực tuyến, thương mại điện tử... có bước phát triển tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,8% so với cùng kỳ...
 
Tỉnh đã cấp mới cho 51 dự án, điều chỉnh 69 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 12.063 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng và gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng của dịch bệnh theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bích Huệ (TTXVN)
Kiên trì 'mục tiêu kép' đòi hỏi phải linh hoạt và quyết liệt
Kiên trì 'mục tiêu kép' đòi hỏi phải linh hoạt và quyết liệt

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN