Năm 2021, nông dân Tiền Giang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Vụ Đông Xuân, Xuân Hè sản xuất trong tình thế bị hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt trong mùa khô 2021 đe dọa. Sang vụ Hè Thu lại đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc đi lại thăm đồng, chăm sóc ruộng nương, thu hoạch và tiêu thụ nông sản thêm khó khăn.
Tuy nhiên, đúc kết những bài học kinh nghiệm ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nông dân Tiền Giang vẫn giữ vững mặt trận nông nghiệp, tổ chức sản xuất thắng lợi, giành những vụ mùa bội thu, đời sống ổn định, tạo ra nguồn nông sản hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường, bảo đảm an ninh lương thực trong thời điểm khó khăn này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, qua ba vụ sản xuất liên tiếp là Đông Xuân, Xuân Hè và Hè Thu, toàn tỉnh gieo sạ trên 127.000 ha, đạt 97% chỉ tiêu đề ra cả năm. Đến đầu tháng 8/2021, nông dân địa phương đã thu hoạch trên 77.000 ha, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha và sản lượng trên 507.000 tấn, đạt 64% chỉ tiêu cả năm.
Là tỉnh trọng điểm về trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, giữ vững mặt trận sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang còn đảm bảo mục tiêu kép vừa đẩy lùi thiên tai, dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, địa phương đưa ra nhiều nhóm giải pháp ứng phó thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021, bảo vệ sản xuất, phù hợp với từng vùng, tiểu vùng như: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng kiểm soát lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười…; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và được sự đồng thuận, hưởng ứng của nông dân.
Tỉnh chủ trương cắt vụ, không xuống giống vụ Thu Đông trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông. Thay vào đó, tập trung nguồn lực đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2021 thắng lợi trước thiên tai. Chủ trương này giúp việc bố trí thời vụ trong khu vực khoa học, thuận lợi và chủ động được nguồn nước bơm tát, khắc phục điều kiện sản xuất khó khăn; tạo tiền đề tổ chức các vụ tiếp theo trong năm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Các phương án phòng, chống hạn mặn được triển khai ngay từ đầu mùa khô với những giải pháp đồng bộ như: kiện toàn mạng lưới kênh mương, thủy lợi nội đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; chuyển đổi cây trồng những địa bàn khó khăn, ven biển, ven cửa sông thiếu nước bơm tát; nhân rộng những mô hình sản xuất tiết kiệm nước hoặc ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh lúa,…
Lịch thời vụ cũng được phân bố phù hợp theo hướng tập trung xuống giống đồng loạt giúp né rầy, né hạn – mặn gây hại thời điểm cây lúa đang giai đoạn sinh trường… Tỉnh còn đầu tư trên 134,5 tỷ đồng thi công công trình phòng, chống hạn mặn, phục vụ sản xuất.
Nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương đã kết thành quả ngọt. Vượt qua thời tiết và hạn, mặn khốc liệt, các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công vừa thu hoạch vụ Đông Xuân với năng suất bình quân 65,5 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 12,6 tạ/ha và sản lượng trên 143.000 tấn lúa, tăng hơn 14,7%. Các huyện nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười cũng đạt năng suất bình quân 74,7 tạ/ha, cao hơn 0,6 tạ/ha so với kế hoạch đề ra và sản lượng thu hoạch trên 215.000 tấn lúa hàng hóa.
Không chỉ trúng mùa, mà đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi, lúa bán được giá nên nông dân rất phấn khởi. Tại vùng ngọt hóa Gò Công, bà con hạch toán đạt lợi nhuận khoảng 31,5 triệu đồng/ha, tăng hơn 13,3 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười, nông dân cũng đạt mức lãi kỷ lục với 34,1 triệu đồng/ha, tăng hơn 13,19 triệu đồng/ha.
Trong vụ Xuân Hè, nông dân Tiền Giang xuống giống trên 25.000 ha, đạt trên 97% chỉ tiêu và tăng hơn 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trà lúa đạt năng suất trên 61 tạ/ha, sản lượng trên 152.000 tấn lúa hàng hóa. Giá lúa thương lái thu mua ở mức cao, từ 6.000 - 6.500 đồng/kg nên bà con lãi khá.
Nông dân Nguyễn Văn Hiếu, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cho biết, ông canh tác 1 ha lúa giống Đài Thơm 8 và thu hoạch đạt năng suất khoảng 70 tạ/ha, bán đi thu về trên 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 50%.
Hiện nay, Tiền Giang đang tập trung chăm sóc trên 50.000 ha lúa vụ Hè Thu. Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, vụ này trùng với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 12/7 đến nay. Do tăng cường kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn để phòng, chống dịch nên nông dân gặp nhiều khó khăn khi đi lại, chăm sóc ruộng nương trong khi trà lúa đang chín tới và sẽ thu hoạch rộ cuối tháng 8 này.
Nông dân đã thu hoạch đầu vụ được khoảng 130 ha với năng suất bình quân đạt trên 54 tạ/ha. Giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng từ 5.600-6.300 đồng/kg, tùy theo giống; trong đó, cao nhất là các giống chất lượng cao như Nàng Hoa 9 có giá từ 6.100-6.300 đồng/kg, tùy theo địa bàn. Dự kiến, đến ngày 15/8/2021, diện tích lúa Hè Thu thu hoạch tăng lên gần 6.200 ha và sản lượng trên 34.000 tấn lúa.
Lúa Hè Thu tại Tiền Giang thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn nhưng do phải cách ly xã hội, tạm thời việc di chuyển máy móc, phương tiện giữa các địa phương chưa thông suốt, khâu sấy lúa cũng ảnh hưởng bởi các lò sấy phải hoạt động 24/24 giờ nhưng tỉnh đang áp dụng quy định người dân không ra đường sau 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Do đó, thiếu nhân công và khó khăn cho cả thương lái thu mua… Đây là những thách thức cần phải tháo gỡ ngay.
Khắc phục tình trạng này, các địa phương đang cấp giấy xác nhận để tạo thuận lợi cho bà con đi lại qua các chốt, tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 với mục đích thăm đồng, thu hoạch nông sản, chăm sóc hoa màu... Song song đó, Tiền Giang tận dụng thời gian “vàng” cách ly xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg (dự kiến đến ngày 15/8 tới), tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý tốt địa bàn, tăng cường xét nghiệm, phát hiện sớm và khoanh vùng, dập dịch kịp thời không để lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục trạng thái bình thường mới.