Ngành Y tế Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch về Chuyển đổi số trong ngành Y tế và triển khai thực hiện “Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”.

Chú thích ảnh
Thẩm định bệnh án điện tử tại Bệnh viện A Thái Nguyên.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời, trong năm 2024, chương trình chuyển đổi số của Nganh Y tế Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp chung vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Bước đầu, các đơn vị thực hiện các thủ tục mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, phần mềm đáp ứng các mức độ theo Thông tư 54/2017/TT-BYT để triển khai Bệnh án điện tử, đảm bảo an toàn thông tin đáp ứng khả năng ứng dụng các Hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh.

Trong năm 2024, có 3 bệnh viện trên địa bàn đã thẩm định thành công Bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện C, Bệnh viện A, Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, trong đó Bệnh viện C đã công bố triển khai Bệnh án điện tử tại đơn vị từ 16/6/2024. Có 9/17 đơn vị khám chữa bệnh được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đối hệ thống thông tin tại đơn vị.

Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, đến cuối năm 2024, toàn bộ 222 cơ sở khám chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận thông tin khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước gắn chíp điện tử, đạt tỷ lệ 100%). Số lượng thẻ BHYT còn hiệu lực được đồng bộ với thẻ căn cước để khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước là hơn 1,2 triệu thẻ BHYT. Số lượng đầu đọc thẻ căn cước gắn chip được trang bị tại các đơn vị y tế là 134 chiếc. Toàn tỉnh có 177/177 trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý 18 chương trình y tế theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Sở Y tế Thái Nguyên đã cấp mã liên thông cho 100% công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia (1376 cơ sở), triển khai cấp mã định danh cho 229 cơ sở khám, chữa bệnh và 1.408 mã định danh bác sỹ, y sỹ để thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã có trên  2,8 triệu đơn thuốc của 115 cơ sở khám, chữa bệnh liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 84,02% tổng số nhân khẩu trên địa bàn. Số hồ sơ khám chữa bệnh thanh toán BHYT liên thông đạt hơn 2,1 triệu hồ sơ. Các cơ sở Y tế công lập và tư nhân đã cập nhật liên thông dữ liệu kết quả giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, báo tử lên Cổng giám định bảo hiểm Y tế.

Đến tháng 11/2024, 100% (13/13) cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khoẻ đối với người lái xe đã liên thông 60.489 kết quả khám sức khỏe lái xe; 15 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã liên thông 36.402 giấy chứng sinh, 5 đơn vị liên thông 99 giấy báo tử. Đáng lưu ý, đến thời điểm này, 100% các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện thanh toán qua ngân hàng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước; 100 % cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt…

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Ngành y tế đã xác định triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là bước đột phá, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách góp phần vào công tác cải cách hành chính và giảm chi phí trong hoạt động cung cấp dịch vụ y tế cho người dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi; đồng thời giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, phòng bệnh có hiệu quả, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, chính phủ số...

Vì vậy, trong thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công nghệ thông tin và ứng dụng các nền tảng nhằm đạt các mục tiêu trong Nghị quyết 01/NQ-TU và Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đôn đốc các đơn vị xây dựng phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.  

Ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, sử dụng căn cước, căn cước công dân, ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, phấn đấu trở thành một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số tại tỉnh Thái Nguyên..

P.V
Thái Nguyên: Huyện Võ Nhai gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo
Thái Nguyên: Huyện Võ Nhai gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có 15 xã, thị trấn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN