Đề án nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh và vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đúng quy định nhằm hạn chế tình trang khai thác khoáng sản trái phép.
Công an tỉnh chủ trì thực hiện, phối hợp Công an các tỉnh giáp ranh tổ chức xây dựng, triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh. Đồng thời, công bố đường dây nóng, công khai số điện thoại để người dân biết, tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản trái phép, có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý người, phương tiện khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc hợp pháp trong khu vực biên giới biển, vùng biển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản trên địa bàn quản lý, trong đó quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải cùng Ủy ban nhân dân các địa phương đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông). Lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép. Qua đó, bước đầu tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang đã được ngăn chặn.
Theo thống kê, từ năm 2022 đến ngày 22/8, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 79 vụ với 125 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (chủ yếu là khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ). Trong đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 39 vụ với 63 đối tượng, số tiền phạt hơn 5,8 tỷ đồng; tịch thu 3 phương tiện thủy nội địa, 3 máy hút cát; còn 40 vụ cùng 62 đối tượng đang lập hồ sơ xử lý. Lực lượng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện, xử lý 25 cá nhân, 1 tổ chức, số tiền phạt hơn 5,1 tỷ đồng, tịch thu 1 phương tiện thủy nội địa.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép ở khu vực gần cầu Mỹ Thuận (ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cùng khu vực ven biển (ở khu vực cửa Tiểu, cửa Đại thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Tại khu vực cầu Mỹ Thuận, lực lượng chức năng đã phát hiện 11 vụ với 24 đối tượng vi phạm, số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng, tịch thu 3 máy hút cát, 22,568 m3 cát. Ở khu vực ven biển, lực lượng Công an phát hiện 25 vụ với 52 đối tượng vi phạm (trong đó có 4 vụ khai thác cát trái phép, 21 vụ vận chuyển khoáng sản không hóa đơn chứng từ), hiện đang lập hồ sơ xử lý. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang phát hiện 13 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ với số tiền phạt hơn 285 triệu đồng.