Mùa ổi ngọt trên đất đồi xứ Thanh

Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần dây, người dân xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích trồng mía, lúa và một số cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế kém sang trồng giống ổi lê Đài Loan mang lại giá trị kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Với mức giá 12 - 15 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Bùi Anh Kiều, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành thu về khoảng 1,5 tỷ đồng từ cây ổi. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Vườn ổi trĩu quả phủ xanh mướt cả một vạt đồi, là thành quả sau hơn 5 năm lao động miệt mài của vợ chồng anh Bùi Anh Kiều, thôn Vạn Bảo, xã Thành Tâm. Chia sẻ về những ngày đầu đưa cây ổi về trồng trên đất Thành Tâm, anh Kiều cho biết với 1,5 ha đất nông nghiệp, năm 2015 anh bắt tay vào cải tạo trồng cây ăn quả như ổi, nhãn, chanh, bưởi…

Nhận thấy trồng cây ăn quả theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún sẽ không mang lại sản lượng và hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, anh Kiều mạnh dạn phá bỏ những cây kém hiệu quả, chuyển đổi hoàn toàn sang trồng tập trung cây ổi lê Đài Loan. Đến nay, từ 1,5 ha ban đầu, anh đã mở rộng diện tích trồng ổi lên 5 ha. Với mức giá 12 - 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 1,5 tỷ đồng từ cây ổi.

“Cây ổi lê Đài Loan rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, là loại cây dễ trồng, tỷ lệ cây sống sau trồng trên 90%, sinh trưởng nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, tỷ lệ đậu quả và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Năm 2019, ổi của gia đình nói riêng và xã Thành Tâm nói chung đã được công nhận VietGAP. Ngoài bán sỉ cho các thương lái đến tận vườn cắt, gia đình đã ký hợp đồng phân phối ổi cho hệ thống siêu thị Coopmart Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Hiện gia đình đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là cơ hội để sản phẩm ổi Thành Tâm từng bước khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân", anh Bùi Anh Kiều nói.

Chú thích ảnh
Cây ổi Lê Đài Loan rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, là loại cây dễ trồng, tỷ lệ cây sống sau trồng trên 90%, sinh trưởng nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, tỷ lệ đậu quả và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Những ngày này, gia đình ông Lê Khắc Sen đang tập trung nhân lực dọn cỏ, bón phân và cắt tỉa để chăm sóc cho khoảng 2 ha ổi vừa cho thu hoạch; đồng thời thu hoạch rải rác hơn 1 ha ổi cho thương lái đến cắt tại vườn.

Ông Sen cho biết, ổi lê Đài Loan là giống dễ chăm sóc nên có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm. Thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, nên gia đình đã chuyển đổi từ trồng mía, dứa sang trồng ổi tập trung từ năm 2016. Hiện 3 ha ổi của gia đình ông trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập ổn định gần 1 tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng ổi cho năng suất, chất lượng tốt, ông Lê Khắc Sen cho biết, ổi lê Đài Loan dễ trồng, từ lúc trồng đến khi ra hoa trong khoảng 6 tháng, 2 tháng sau khi ra hoa là cho thu hoạch. Ổi có thân cây cứng, khỏe mạnh, khả năng kháng bệnh tốt, khi cây sinh trưởng chú ý cắt tỉa cành tạo thế để cây phát triển cân đối thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch. Khi trái ổi đạt 5cm, dùng túi xốp bọc bên ngoài để bảo quản quả không bị côn trùng đốt và hạn chế ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Ổi chín khoảng 70% là thời điểm lý tưởng để thu hoạch, nếu muộn hơn sẽ mất đi độ giòn, xốp và độ ngọt của trái.

Chú thích ảnh
Năm 2021, xã Thành Tâm đang phấn đấu sẽ tích tụ, tập trung khoảng 30 ha đất nông nghiệp để trồng ổi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Theo báo cáo của UBND xã Thành Tâm, hiện toàn xã đã phát triển được 80 ha ổi lê Đài Loan. Cây ổi được xem là cây trồng chủ lực giúp người nông dân Thành Tâm phát triển kinh tế. Theo đó, năm 2020, thu nhập bình quân trên đầu người toàn xã đạt 53,6 triệu đồng/người/tháng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng ổi, thời gian qua, xã Thành Tâm đã có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất như chính sách thuê đất, cải tạo đất… Địa phương đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng ổi; tổ chức các đoàn đi tham quan, học hỏi mô hình; thành lập hợp tác xã ổi Thành Tâm để liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho bà con…

Ông Hoàng Công Nam, Chủ tịch UBND xã Thành Tâm cho biết, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách khuyến tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến 2025, năm 2021 huyện Thạch Thành giao xã Thành Tâm tích tụ khoảng 15 ha đất trồng cây ăn quả, trong đó tập trung vào trồng ổi.

Tuy nhiên, nhận thấy những thế mạnh của địa phương, xã phấn đấu sẽ hoàn thành vượt kế hoạch với khoảng 30 ha đất sẽ được tập trung để trồng ổi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Theo đó, 3 tháng đầu năm, địa phương đã trồng mới được hơn 10 ha ổi tại 3 thôn Vạn Bảo và Tân Liên, Yên Thịnh…

Khiếu Tư (TTXVN)
Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi cho thu nhập cao
Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi cho thu nhập cao

Nhờ triển khai mô hình trồng ổi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã dần ổn định kinh tế gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN