Mô hình khởi nghiệp nuôi ong dú cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Nguyễn Hữu Trực (29 tuổi, phường Bảo An, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) triển khai mô hình nuôi ong dú, đem lại nguồn thu nhập cao. Đặc biệt, mô hình này đã giành giải Nhất tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Thanh niên Ninh Thuận lần thứ V – năm 2021”.

Chú thích ảnh
Kiểm tra mật ở thùng ong đặt trong nhà.

Chia sẻ về dự án nuôi ong dú, anh Trực cho hay, từ khi đi học anh đã có đam mê tìm hiểu về các loài ong. Sau này đi làm, anh từng thử nghiệm nuôi ong mật nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Trong một lần tình cờ, anh phát hiện trong khu vườn nhà có một tổ ong rất lạ, lượng mật thu về khá nhiều và đậm đặc. Lúc đó, anh chưa biết đó là loại ong gì nhưng nếm thử mật của loại ong thấy vị rất thơm ngon.

Qua tìm hiểu, anh Trực biết được đây là ong dú, loại ong này có kích thước nhỏ hơn ong mật, đặc biệt không có ngòi đốt, không bỏ tổ đi nơi khác, không chiếm nhiều diện tích nuôi. Nhận thấy đây là loại ong khác với những loại ong nuôi lấy mật đang bán phổ biến trên thị trường, có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm thương mại, anh Trực đã quyết định nghỉ việc đang làm tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn để dồn hết tâm sức nuôi ong dú, một loại ong rừng tự nhiên, tự sinh trưởng và làm mật

Vừa tự làm và kết hợp nghiên cứu tài liệu tham khảo từ nước ngoài, sau nhiều lần thử nghiệm nắm bắt được quá trình sinh trưởng của ong dú, anh Trực tiến hành nhân đàn nuôi trong nhà với diện tích nuôi khoảng 30 mét vuông, xung quanh nhà là vườn cây trái và hoa cỏ dại.

Làm tổ cho ong dú, anh Trực đóng các thùng gỗ thông nhỏ chia thành ba tầng để ong sinh sản, dự trữ keo ong, mật ong và phấn ong, riêng tầng đáy đục một lỗ nhỏ gắn ống nhựa dẻo thông qua tường nhà để ong ra, vào. Từ khi ong dú chúa đẻ trứng đến khi phát triển thành ong trưởng thành khoảng 50 ngày. Mỗi tổ ong 1 tháng có thể nhân đàn một lần, mỗi đàn sẽ “bầu” ra ong chúa mới và sinh sôi nảy nở rất nhanh, cho mật sau 3 – 6 tháng. Từ 3 đàn ong gây dựng ban đầu, sau ba năm đã phát triển hơn 400 đàn ong dú, anh Trực thành lập trang trại lấy tên “Trang trại Ong Dú Jichi”.

Anh Trực chia sẻ, một đàn ong dú mỗi năm cho thu hoạch mật hai lần với khoảng 2 lít mật. Đặc tính của loài ong dú này không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất. Mật ong dú vị ngọt, thanh và hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong khác nên được nhiều người tìm mua. Năm nay, anh tập trung đẩy mạnh việc khai thác giống nên việc thu mật ong đến nay đạt khoảng 100 lít; kết hợp việc bán mật, bán thùng giống ong, phấn ong, keo ong thô cho doanh thu trên 960 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, anh còn lãi trên 770 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Trực, nuôi ong dú trong nhà cần tạo không gian thoáng mát, nhiệt độ ổn định còn nuôi ở ngoài trời, dưới các tán cây cần chú ý bảo vệ tổ ong khỏi các loại thằn lằn và chim rình bắt ăn. Nuôi ong dú rất dễ, an toàn với người nuôi. Con ong mật sẽ bỏ tổ đi nhưng với ong dú không có hiện tượng này vì con ong dú chúa sau khi đẻ rồi ở yên một chỗ và không bay trở lại được nữa. Với diện tích 30 mét vuông có thể nuôi từ 400 - 700 đàn ong, nuôi ong dú không cần cho ăn, không tốn nhiều công chăm sóc, người dân có thể nuôi tại các điểm không có nguồn hoa trái, cây tập trung nhiều, có thể tận dụng các vườn cây, hoa cỏ dại rải rác xung nhà, kết hợp với các mô hình nuôi bò, dê, cừu để tăng hiệu quả kinh tế.

Chú thích ảnh
Một tổ ong dú đầy ắp mật.

Nhận xét về dự án nuôi ong dú của anh Trực, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Thuận Lưu Xuân Vũ cho biết, đây là mô hình nuôi ong thân thiện và bền vững với môi trường, cho ra sản phẩm đặc thù từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa chủng loài sinh vật. Mô hình nuôi ong dú không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nguồn nhân lực, có tính khả thi cao. Các bạn trẻ hoặc hộ gia đình ở nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh có thể áp dụng mô hình này để nâng cao mức thu nhập, phát triển kinh tế.

Để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Ninh Thuận tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ kinh nghiệm, nguồn vốn, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm từ các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp để góp phần tạo sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên trong tỉnh.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Nguyễn Hữu Trực cho biết sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn quả để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà”; cùng các hộ nuôi ong dú thành lập hợp tác xã ong dú trên địa bàn nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, anh kết nối với các điểm du lịch và các vườn hoa, vườn nho, vườn táo, điểm tham quan trong tỉnh để trưng bày các sản phẩm từ ong dú và cung cấp các trải nghiệm thực tế để du khách tham quan, chụp hình, tìm hiểu nhằm tăng cường đầu ra cho sản phẩm. Anh liên kết với các trường tổ chức mô hình tham quan tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của loài ong nói chung và loài côn trùng xã hội bậc cao nói riêng, tạo ra sự gắn kết học sinh với thiên nhiên nhằm giáo dục bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.

Anh Trực tiếp tục nghiên cứu trang trí, bán các tổ nuôi ong dú "bắt mắt" để vừa nuôi lấy mật vừa có thể làm cảnh tạo điểm nhấn cho các không gian ngoài trời; sẵn sàng tư vấn kỹ thuật nuôi ong miễn phí cho khách hàng đến tham quan cũng như tư vấn cho người nuôi ong ở xa thông qua website, mạng xã hội, tham gia các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về nuôi ong dú trong, ngoài nước. Cùng đó, anh tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, bán các sản phẩm từ ong dú trên các sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Liên kết phát triển nghề nuôi trồng rong nho ở Khánh Hòa
Liên kết phát triển nghề nuôi trồng rong nho ở Khánh Hòa

Sử dụng giống rong nho, công nghệ tách nước rong nho theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm rong nho “made in” Khánh Hòa đã có thị trường ngày càng mở rộng. Nhờ đó, thu nhập và đời sống người trồng rong nho trong tỉnh được nâng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN