Cụ thể, trường hợp M.A.C, sinh năm 2001, địa chỉ thường trú ở xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã vào xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương làm việc tại Công ty gỗ Khang Sơn, vào tháng 2. Khoảng 17 giờ ngày 4/10, người này cùng với 8 người dân khác di chuyển bằng xe máy về tỉnh Lai Châu. Ngày 7/10, khi đến thành phố Hà Nội, M.A.C cùng những người dân khác trong đoàn (84 người) được Công an Hà Nội đưa bằng xe ô tô bàn giao cho chốt kiểm soát dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái.
Sau đó, M.A.C cùng những người dân trên được Công an tỉnh Yên Bái bố trí xe khách đưa đến Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai. Những người này tiếp tục được tỉnh Lào Cai chở bằng xe ô tô đến Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 1 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) bàn giao cho tỉnh Lai Châu lúc 23 giờ cùng ngày. Tại đây, M.A.C được phân luồng và đưa về khu cách ly tập trung của Trường Quân sự tỉnh Lai Châu cùng với 49 người khác.
Sáng 8/10, M.A.C có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-COV-2. Bệnh nhân đã được chuyển vào Bệnh viện Phổi Lai Châu cách ly, theo dõi và điều trị.
Trường hợp thứ hai là H. T. X, sinh năm 1972, địa chỉ ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu). Tháng 2, người này đi làm tại Công ty Yuoza, Khu Công nghiệp Tân Bình, tỉnh Bình Dương. Ngày 2/10, H. T. X cùng những người khác đi xe máy xuất phát từ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để về tỉnh Lai Châu. Đến thành phố Hà Nội, H. T. X được chở cùng đoàn với M.A.C bàn giao cho chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 1 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Tại đây ngwoif này cùng với 33 người dân khác được phân luồng, bố trí cách ly tập trung tại cơ sở cách ly số 3 huyện Tam Đường.
Cũng trong sáng 8/10, H. T. X có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-COV-2 và đã được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đường cách ly, theo dõi, điều trị.
Ngay khi phát hiện, tỉnh Lai Châu đã điều tra truy vết triệt để, không bỏ sót những người tiếp xúc, liên quan đến ca bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly, phòng, chống dịch theo quy định. Các cơ sở cách ly, điều trị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly, điều trị, quản lý, giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lai Châu đề nghị những người dân có liên quan, tiếp xúc với 2 trường hợp trên trong quá trình di chuyển từ tỉnh Bình Dương về tỉnh Lai Châu kịp thời thông báo cho cơ quan y tế theo số điện thoại đường dây nóng: 02133.791.864 hoặc 0987.436.305. Mặt khác, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đang lưu trú tại các tỉnh có dịch phía Nam, không tự ý di chuyển về quê bằng xe cá nhân, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và không đảm bảo sức khỏe trong quá trình di chuyển. Trường hợp người dân có nguyện vọng cần thiết về quê, đăng ký danh sách với chính quyền địa phương nơi lưu trú để thông báo cho các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng kế hoạch đưa, đón, đảm bảo an toàn.
Cũng trong ngày 10/10, theo báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, địa phương đã ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới từ việc test nhanh cho các đoàn người về quê đi ngang qua địa bàn thành phố. Lực lượng chức năng đã khẩn trương cách ly, điều trị cho 2 người này, không để khả năng lây lan ra cộng đồng.
Hai ca mắc mới được phát hiện tại trạm trung chuyển phía Nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), trong đó 1 ca là người đi xe máy từ TP Hồ Chí Minh, 1 ca là người đi xe máy từ tỉnh Bình Dương về quê ở phía Bắc. Trong ngày, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 từ người dân trên địa bàn thành phố. Từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 4.677 ca mắc COVID-19.
Về hai ca mắc mới này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, ngay từ những ngày đầu có các đoàn xe mô tô từ các tỉnh phía Nam về quê qua địa bàn thành phố, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phải hết sức lưu ý công tác phòng, chống dịch khi đón, dẫn, hỗ trợ các đoàn. Đây là những người đi từ các tỉnh có dịch nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì vậy các công tác hỗ trợ, từ thiện cần phải được tổ chức bài bản để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị Công an, Mặt trận Tổ quốc, Y tế, Hội chữ thập đỏ... tiếp tục rà soát, điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý tại các chốt kiểm soát, điểm hỗ trợ người dân về quê đi qua địa bàn thành phố, đảm bảo công tác hỗ trợ người dân phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, bố trí khu vực hợp lý, giữ khoảng cách an toàn để tránh tụ tập đông người.
Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, sắp tới, số lượng người đi, về thành phố Đà Nẵng sẽ tăng lên, do đường sắt, đường hàng không đang từng bước mở cửa trở lại, các địa phương cần tăng cường kiểm soát người dân từ các nơi về địa phương.
Cũng trong ngày 10/10, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 6843/UBND-SGTVT về việc triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với hành khách trên các chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trong tình hình hiện nay. Theo đó, sau khi cho phép mở lại các đường bay nội địa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người dân đi, đến thành phố.
Cụ thể, hành khách đi, đến thành phố Đà Nẵng trên các đường bay nội địa phải cam kết khai báo y tế trung thực địa phương xuất phát và địa phương đến; chịu trách nhiệm trước pháp luật và có thể bị khởi tố hình sự nếu khai báo không trung thực. Lực lượng chức năng cũng sẽ tổ chức điểm test nhanh SARS-CoV-2 có thu phí tại sân bay Đà Nẵng đối với người dân chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Người dân đến từ các vùng có dịch sẽ phải cách ly y tế tại nhà hoặc cách ly tập trung theo quy định.