Kinh tế An Giang tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của An Giang dự báo sẽ gặp thuận lợi khi Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đã ký kết, mở ra nhiều cơ hội, thị trường xuất khẩu nhất là các mặt hàng chủ lực trong nông nghiệp. Với bức tranh kinh tế khả quan bất chấp dịch bệnh COVID-19, An Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 6% - 6,5%; cho năm 2021.

Chú thích ảnh
Thành phố Long Xuyên trung tâm giao thương, tiêu thụ, trung chuyển hàng hóa, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL.

Năm 2020, mặt dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của An Giang vẫn tăng trưởng tốt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 5,45%. Trong đó, so với cùng kỳ khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,26%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 5,35%. An Giang thực hiện đạt và vượt 9/13 chỉ tiêu và các mặt hàng xuất khẩu của An Giang tăng như gạo, thủy sản… cũng tăng trước tác động của dịch bệnh COVID-19.

Tiếp nối thành công tăng trưởng trong năm qua, năm 2021 bên  cạnh các thuận lợi cho các hiệp định mang lại cho xuất khẩu của tỉnh, hạ tầng giao thông trên địa bàn An Giang đang ngày càng cải thiện; đặc biệt là công trình Cầu Vàm Cống hoàn thành có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong cả nước và các dự án lớn do các nhà đầu tư thực hiện bắt đầu được triển khai xây dựng sẽ tạo ra động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2021, An Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 6% - 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 50,665 - 50,914 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 29.200 tỷ đồng. An Giang cũng đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 965 triệu USD; thu ngân sách đạt trên 6.800 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 10 xã, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 71 xã và có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Chú thích ảnh
An Giang sẽ tập trung rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài triển khai thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, An Giang tập trung rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể; tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu và từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, du lịch, giáo dục, y tế,...

“Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại; kịp thời tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang Trung Quốc; cơ  cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trong sản phẩm (gạo, thủy sản, trái cây) đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối, nhập khẩu...”, ông Phước đưa ra các giải pháp phát triển cho năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Thời gian tới tỉnh đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách toàn diện để nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc nhất là làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp” (thuộc tuyến N1) và tạo điều kiện tối đa để triển khai thực hiện dự án Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Đặc biệt, dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên được kỳ vọng giúp thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Chú thích ảnh
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên giúp An Giang hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.

Để phát triển thương mại biên giới, An Giang tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án Nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình (huyện An Phú) lên cửa khẩu Quốc tế; Đề án Nâng cấp cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương trở thành cửa khẩu quốc tế đường bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng; xây dựng kế hoạch hợp tác từng dự án, đề án cụ thể phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng./.   

Thanh Sang
Kinh tế An Giang vẫn tăng trưởng bất chấp COVID-19
Kinh tế An Giang vẫn tăng trưởng bất chấp COVID-19

Mặt dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế của An Giang trong năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN