Theo đó, văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai kiên quyết không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nhất là diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, khu vực giáp ranh, vùng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao tại các huyện Văn Bàn, Mường Khương, Bắc Hà và thị xã Sa Pa; chỉ đạo cơ quan chuyên môn ở địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, khoanh vẽ, xác định diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng có sự chồng chéo, tranh chấp, diện tích sử dụng không hiệu quả.
Sở này cũng nhấn mạnh, lực lượng kiểm lâm cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án phát triển du lịch sinh thái, thuê môi trường rừng; đình chỉ các dự án du lịch sinh thái, thuê môi trường rừng có nguy cơ gây thiệt hại về tài nguyên rừng, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tăng cường tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật; tăng cường phối hợp, đôn đốc các địa phương, chủ rừng tuần tra, kiểm soát nhất là những “điểm nóng” về khai thác lâm sản, phá rừng, cháy rừng; xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, trồng rừng mới của Lào Cai tăng cao so với cùng kỳ, đạt 5.370,8 ha, đạt 96,1% kế hoạch, bằng 190,3% cùng kỳ; thực hiện bảo vệ tốt 274.973 ha rừng, đạt 100% kế hoạch. 11 tháng năm 2020, Lào Cai xử lý 152 vụ khai thác, buôn, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tăng 43 vụ so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức và phòng, chống cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng dù được địa phương thực hiện thường xuyên nhưng trong 10 tháng đã xảy ra 5 điểm cháy; trong đó, có 2 vụ cháy rừng làm thiệt hại 6,514 ha rừng trồng (Mường Khương 6,014 ha, Sa Pa 0,5 ha) và 3 điểm cháy đồi cỏ tranh, lau lách, tế guột.
Do đó, đối với phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2020-2021, văn bản nêu rõ, các lực lượng chức năng phải rà soát, lập các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các địa bàn xung yếu; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tại trụ sở các cơ quan, đơn vị liên quan, chốt, trạm bảo vệ rừng, nhất là trong thời gian cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao để sớm phát hiện đám cháy; chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, kịp thời tổ chức ứng cứu cháy rừng khi có tình huống xảy ra.
Chính quyền các địa phương, ngành chức năng chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng, cơ quan chức năng đóng trên địa bàn thực hiện xây dựng, tham gia phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thì khuyến khích lập phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo nhóm hộ đối với rừng được giao, rừng tự đầu tư có diện tích liền vùng; chủ rừng là tổ chức, lực lượng vũ trang được giao rừng, UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê thì xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng đang quản lý.
Bên cạnh đó, các chủ rừng cần tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý, kiểm soát chặt chẽ người dân, khách du lịch vào rừng; nghiêm cấm việc đốt thực bì làm nương rẫy, trồng rừng trong những ngày khô hanh, nhất là tại các vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao.