Kiên Giang chủ động ứng phó với hạn mặn mùa khô

Trước dự báo hạn mặn mùa khô 2020 - 2021 sẽ diễn biến phức tạp, nhất là trong sản xuất vụ Mùa và Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó.

Chú thích ảnh
Cánh đồng lúa bị mất trắng do ảnh hưởng hạn mặn tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi Cục trưởng Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mùa khô sắp tới 2 cống Rạch Tà Niên (huyện Châu Thành) và Kênh Nhánh (thành phố Rạch Giá) để vận hành điều tiết nguồn nước, kiểm soát mặn. Cùng đó, tập trung thi công cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành), các cống trên tuyến đê biển An Biên - An Minh; sớm triển khai xây dựng cống âu thuyền T3 Hòa Điền (huyện Kiên Lương) và những cống còn lại trên tuyến đê biển An Biên - An Minh.

Ngoài ra, tại các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô 2020 - 2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là chú trọng những vùng, khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.

Tiếp đến, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước để chủ động đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt kịp thời. Vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành và thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành, vùng U Minh Thượng và tuyến đê bao Ô Môn - Xà No.

Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khi tượng - thủy văn, diễn biến mặn gắn với công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh chính để kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

Cũng theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, trong mùa khô, khi xảy ra nắng hạn kéo dài, mực nước đầu nguồn xuống thấp, tỉnh sẽ phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân và thống nhất vận hành linh hoạt công Tha La, Trà Sư điều tiết nước cho vùng hạ lưu cống.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ thêm, mùa khô 2020 - 2021, tỉnh dự kiến đắp 340 đập ngăn mặn trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 33,7 tỷ đồng; trong đó, theo kịch bản xâm nhập mặn trung bình nhiều năm và dự báo tình hình hạn mặn sắp tới thì tập trung đắp hoàn thành 133 đập ngăn mặn, giữ ngọt trước ngày 15/12/2020 tại các địa phương vùng ven biển.

Hơn nữa, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng lịch thời vụ sản xuất lúa Mùa, Đông Xuân 2020 - 2021 phù hợp với tình hình nguồn nước từng vùng, khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm áp lực thiếu nước giai đoạn từ giữa đến cuối vụ khi xảy ra hạn mặn kéo dài, diễn biến gay gắt; hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương tập huấn, phổ biến quy trì kỹ thuật nuôi trồng cây, con phù hợp với hệ sinh thái từng vùng trong điều kiện hạn mặn, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ bị thiệt hại cũng như khuyến cáo nông dân chủ động tích nước trong hệ thống thủy lợi nội đồng, vườn cây ăn trái ngay từ đầu mùa khô để ứng phó với hạn mặn.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Chú trọng nguồn nước ứng phó hạn mặn trong vụ Đông Xuân
Chú trọng nguồn nước ứng phó hạn mặn trong vụ Đông Xuân

Ngày 9/10, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2020 và Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021 tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN