Lũ về muộn, hạn mặn có thể sẽ tái diễn trong năm tới tại ĐBSCL

Theo các chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, qua quan sát mực nước sông Mekong những ngày gần đây, mùa lũ năm nay ở khu vực này sẽ về muộn.

Nếu không có mưa nhiều trong những tháng tiếp theo, có khả năng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tái diễn trong mùa khô năm tới.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) đánh bắt cá trong mùa lũ. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết, theo dõi mực nước sông Mekong trong vòng nửa tháng trở lại đây, ông nhận thấy dù nước có dâng lên chút ít nhưng cũng chỉ tương đương với năm 2019 – năm thấp nhất lịch sử.

Theo ông Vinh, trong các trạm đo thủy văn trên sông Mekong thì mực nước tại hai trạm Stung Treng và Kratie (Campuchia) sẽ cho biết mùa lũ về Đồng bằng sông Cửu Long có lớn hay không.

Số liệu của Ủy ban Sông Mekong Quốc tế cho thấy, mực nước đo ngày 17/8 tại trạm Stung Treng là 5,82 m, chỉ cao hơn năm 2019 là 0,5 m; tại trạm Kratie là 14,11 m, cao hơn năm 2019 1,59 m. Nếu so với hai năm xảy ra hạn, mặn gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long (2016 và 2019) thì mực nước sông Mekong tại hai trạm này hiện nay chỉ cao hơn năm 2019 chút ít và vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, ở hạ nguồn, tại trạm Tân Châu (sông Tiền), mực nước ngày 17/8 là 1,55 m, cao hơn gần gấp đôi thời điểm năm ngoái (0,83 m) và xấp xỉ năm 2016 (1,61m). Còn tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) là 1,57m, cao hơn năm 2016 0,08m.

Theo ông Kỷ Quang Vinh, từ đầu tháng 8/2020 tới nay, nước qua hai trạm Stung Treng và Kratie dù có lúc lên xuống nhưng cũng chỉ tương đương với năm ngoái và vẫn ở ngưỡng thấp nhất lịch sử.

“Qua các số liệu thực tế thì điều kiện cần của một năm không có lũ đã thể hiện rõ”, ông Vinh nhận định. Tuy nhiên, theo ông Vinh, cũng cần lưu ý thêm việc có mưa bão bất thường. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2018 khi có mưa to liên tục ở thượng nguồn Mekong thì nước tăng lên nhanh và xuất hiện lũ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Một kịch bản khác được các chuyên gia đặt ra là nếu từ nay đến tháng 10 mà không có mưa nhiều ở lưu vực Mekong thì chắc chắn mùa khô năm tới, miền Tây sẽ phải tiếp tục đối diện với hạn hán và xâm nhập mặn.

Dẫn báo cáo lần thứ 5 của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, ông Kỷ Quang Vinh cho hay, theo báo cáo này thì lượng mưa ở lưu vực sông Mekong không tăng, thậm chí có xu hướng giảm và điều này bắt đầu được chứng minh trong những năm gần đây.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa ở phía thượng nguồn trong lưu vực sông Mekong, trong đó đặc biệt là lượng mưa ở phía tả ngạn con sông này, phần thuộc Lào.

“Có hai vùng mưa quan trọng chúng ta cần theo dõi đó là mưa ở vùng Vientiane và mưa ở phía Nam ở Paksé của Lào. Khi nào hai vùng này mưa nhiều thì gần như chắc chắn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nước lũ nhiều”, ông Thiện nói.

Qua các số liệu thực tế cho tới thời điểm này, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhận định, lũ năm nay về muộn so với trung bình nhiều năm, khả năng trong tháng 8 nước lũ vẫn chưa về. Còn từ tháng 9 trở đi, ông Thiện cho rằng còn phải phụ thuộc vào tình hình có xảy ra La Nina hay không và phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Nếu lũ về muộn và thấp thì người dân ở đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là ở Đồng Tháp và An Giang sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt là với những hộ nuôi thủy sản đang chuẩn bị con giống trong ao để chờ nước lũ thả lên đồng. Ông Thiện khuyến cáo, với tình hình lũ về muộn vả chưa biết rõ lũ sẽ cao hay thấp thì bà con nên cẩn thận, tránh đầu tư vào con giống quá nhiều cho năm nay.

Bên cạnh đó, nếu lũ thấp thì sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn khi phù sa về ít, đồng ruộng không được rửa, chuột và dịch bệnh trên lúa sẽ nhiều hơn làm chi phí canh tác sẽ tăng cao.

Đối với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 – 2021, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, năm nào lũ về thấp thì sang mùa khô hạn, mặn sẽ gay gắt. Do đó, cần tiếp tục quan sát, nếu đến giữa tháng 10 mà nước lũ vẫn thấp thì chúng ta phải tích cực đề phòng hạn, mặn sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 3/2021 đối với các tỉnh ven biển.

Cũng theo ông Thiện, lượng mưa ở lưu vực Mekong phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Năm nào có hiện tượng El Nino thì mưa ít, gây hạn; năm nào có La Nina thì mưa nhiều, nước lũ về nhiều. Hiện nay, thì lưu vực Mekong đang trong tình trạng ENSO trung tính, tức là không có El Nino cũng không có La Nina.  

“Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng Hoa Kỳ thì đến tháng 9 có khả năng 55% xuất hiện La Nina, khi đó có thể có mưa nhiều. Dù sao thì sau Tết năm tới, hạn, mặn cũng không thể gay gắt như mùa khô 2020 vừa qua”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nêu quan điểm.

Thanh Liêm (TTXVN)
Bà con đầu nguồn Đồng Tháp ngóng lũ về
Bà con đầu nguồn Đồng Tháp ngóng lũ về

Hàng năm, cứ đến rằm tháng 7 âm lịch là nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Thế nhưng, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến rằm tháng 7 mà mực nước sông ở các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình vẫn còn thấp. Bà con vùng thượng nguồn đang ngóng lũ đổ về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN